Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Năm, 02/05/2024

Đăng ký nhận tin

Phong Phú chuẩn bị cho tương lai với thế 'kiềng ba chân'

09/05/2016 09:13 SA

Dệt Phong Phú đang âm thầm chuẩn bị cho tương lai để đáp ứng yêu cầu “xuất xứ từ sợi” với thế khép kín từ sợi – dệt – nhuộm – may.

  

Phong Phú đang âm thầm chuẩn bị cho hội nhập với thế chân kiềng

Việt Nam đã, đang tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đánh giá là một trong những hiệp định tham vọng nhất từ trước đến nay. Việt Nam được đánh giá là nước hưởng lợi nhiều nhất, trong đó dệt may sẽ là lĩnh vực có lợi thế hàng đầu khi thuế xuất khẩu giảm về 0% thay vì từ 12 – 17% như hiện nay.

Khép kín từ sợi – dệt – nhuộm – may         

Gần đây, làn sóng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam rất lớn để tận dụng lợi thế từ TPP và các FTA khác. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, riêng trong năm 2105, khoảng 2,5 tỷ USD vốn ngoại đã đổ vào Việt Nam trong lĩnh vực dệt may. Đáng lưu ý, phần lớn các dự án FDI đều đầu tư toàn chuỗi khép kín từ sợi – dệt – nhuộm cho đến khâu may. Trong khi phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam thường chỉ đầu tư vào khâu cuối – khâu may – cũng là khâu dễ nhất, thì Tổng công ty cổ phần Phong Phú là một trong những doanh nghiệp đã sớm nhìn ra tầm quan trọng của “chuỗi”.

Ngay từ ngày đầu thành lập cách đây 51 năm, Phong Phú đã có 3 xưởng sản xuất (dù quy mô nhỏ) từ sợi – dệt – nhuộm và sau này phát triển dần lên chuỗi khép kín. Dù đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng trong quá trình phát triển, doanh nghiệp này luôn duy trì chuỗi cung ứng, ngay cả khi ngành dệt nhuộm gặp khó khăn, khiến cho phần lớn doanh nghiệp dệt may Việt Nam chuyển sang chỉ đầu tư may.

 “Thời điểm đó, khó khăn lớn nhất là nhân công, chi phí đầu tư và duy trì sản xuất. Sản phẩm làm ra phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm của Trung Quốc. Nhưng doanh nghiệp vẫn xác định việc duy trì chuỗi cung ứng và tự chủ được nguồn nguyên liệu từ đầu vào và các FTA khác. Việc tự chủ nguồn nguyên liệu giúp Phong Phú có thể ứng phó kịp thời với mọi biến động của thị trường” – ông Phạm Xuân Trình, Tổng giám đốc Phong Phú nhớ lại.

Không cần đợi đến TPP, từ lâu doanh nghiệp này đã có chuỗi sản xuất khép kín từ sợi – dệt – nhuộm – may. Và với tầm nhìn trở thành một tổ chức kinh tế hàng đầu Việt Nam và khu vực chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm dệt may, Phong Phú đã sẵn sàng hội nhập vào sân chơi lớn.

Doanh thu năm 2015 của Phong Phú là 4.166 tỷ đồng, trong đó doanh thu xuất khẩu tăng từ 72 lên 75 triệu USD. Chỉ tiêu hoạt động cho năm 2016 của Phong Phú: tổng doanh thu là 4.250 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 220 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 204 tỷ đồng và tỷ lệ chia cổ tức dự kiến từ 12-15%

Củng cố nội lực

Nếu so sánh con số khoảng 85% doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ yếu gia công và làm ở khâu may nên giá trị gia tăng thấp, sẽ thấy những doanh nghiệp có bước đi vững chắc như Phong Phú là không nhiều.

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp dệt may (trong đó có 650 doanh nghiệp nước ngoài), số doanh nghiệp may chiếm 70%, dệt chiếm 17%, kéo sợi 6%, nhuộm 4%, phụ trợ 3%. Từ những con số này có thể thấy, Việt Nam đang rất mạnh trong khâu cuối cắt – may, còn đối với lĩnh vực kéo sợi, dệt, nhuộm thì đang thiếu sự đầu tư tương xứng.

Đây thực sự đang là bài toán khó cho nhiều doanh nghiệp dệt may trong việc đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” của TPP. Theo ông Phạm Xuân Trình, nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp Việt thiếu vốn cho đầu tư dệt nhuộm, chiếm từ 75 – 85% chi phí đầu tư trong chuỗi dệt may. Đồng thời, sự thiếu hụt nguồn nhân lực cho lĩnh vực này cũng là một bài toán khó cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, để tạo ra một cơ hội việc làm trong khâu kéo sợi, dệt hoặc nhuộm cần đến 300.000 – 400.000 USD, con số này không phải doanh nghiệp Việt Nam nào cũng có thể đáp ứng.

Năm 2016, Phong Phú đặt mục tiêu tăng doanh thu lên mức 4.250 tỷ đồng

Với Phong Phú, nhận thức việc tham gia TPP và các FTA sẽ đem đến cả cơ hội lẫn thách thức nên doanh nghiệp đang cố gắng nâng cao nội lực, từ nguồn nhân lực chất lượng cao, tiềm lực tài chính, khả năng cạnh tranh, máy móc thiết bị và công nghệ tiên tiến, thị trường…

Bên cạnh đó, Phong Phú đã chủ trương đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao năng suất, chất lượng. Gần đây, công ty đã tập trung vào việc tuyển dụng thêm đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Với đội ngũ cán bộ công nhân viên hiện hành, doanh nghiệp còn tiến hành thuê tư vấn độc lập để đánh giá lại năng lực của từng vị trí, từ đó có chương trình đào tạo phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu mới của công việc.

Ngay ở đội ngũ quản lý cấp cao, Phong Phú cũng là đơn vị cung cấp cho công ty mẹ là Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex). Nhiều lãnh đạo Vinatex từng xuất thân là “người của Phong Phú”. Trước đó, Phong Phú cũng cử người tham gia tái cấu trúc Công ty TNHH một thành viên Dệt 8-3, góp phần vực dậy doanh nghiệp này qua giai đoạn khó khăn…

Với sự chuẩn bị chắc chắn, Phong Phú tiếp tục chú trọng và đẩy mạnh đầu tư phát triển những dòng sản phẩm cốt lõi như sợi chỉ may, khăn bông, vải denim, dệt kim. Nhiều dự án cũng được doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư để nâng sức cạnh tranh và gia tăng nội lực, nổi bật như: dự án đầu tư nhà máy sản xuất vải dệt kim tại Nha Trang với năng suất 3.780 tấn/năm, tổng mức đầu tư 285 tỷ đồng (đã đi vào hoạt động trong quý I/2016); dự án đầu tư nhà máy dệt vải denim ở Nha Trang (đã đi vào hoạt động) với dây chuyền dệt nhuộm indigo hoàn chỉnh, có năng suất 35,7 triệu sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư là 698 tỷ đồng; dự án đầu tư dây chuyền in khăn bông tại TP.HCM với năng suất 4,8 triệu sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư 36 tỷ đồng (dự kiến quý III/2016 sẽ chính thức đi vào hoạt động)…

Những khoản đầu tư của Phong Phú khá bài bản, chắc chắn cho mục tiêu là tiếp tục đạt doanh thu cao và phấn đấu năm 2016 tiếp tục tăng doanh thu lên mức 4.250 tỷ đồng. Với những động thái này, rõ ràng Dệt Phong Phú đang nhìn rõ hướng đi của mình, đủ sức để tiến xa trên con đường mình đã chọn.

Nguồn: Phương Anh/dddn.com.vn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.124.346
Khách
: 307
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0