Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Năm, 28/03/2024

Đăng ký nhận tin

Thời trang từ tảo

23/03/2021 03:16 CH
Ngành công nghiệp thời trang được biết đến là ngành gây ô nhiễm cao. Quần áo bị thải bỏ là một trong những vấn đề lớn. Có một số loại vải phải mất 200 năm để phân hủy. Một sinh viên tốt nghiệp trường nghệ thuật đã tìm ra giải pháp, tạo một loại vật liệu sinh học làm từ tảo có thể phân hủy chỉ trong vài giờ.

Scarlett Yang, sinh viên tốt nghiệp ngành thời trang của trường nghệ thuật Central Saint Martins ở London, Anh, đã tạo một chiếc váy trong suốt, tuyệt đẹp bằng vật liệu sinh học. Yang đã sử dụng chiết xuất tảo và protein kén tằm để chế tác thiết kế - chúng phản ứng với độ ẩm và nhiệt độ trong môi trường và tự phát triển. Những yếu tố này cũng làm cho trang phục thay đổi, nhăn khi độ ẩm và nhiệt độ tăng hoặc giảm. Khi tiếp xúc với nước, chiếc váy sẽ tự nhiên phân hủy, khiến nó trở thành một lựa chọn thay thế bền vững cho những mẫu may mặc truyền thống thường được làm đi làm lại nhiều lần cho đến khi hoàn thiện. Yang nói: “Phần lớn hàng dệt may trên thị trường không thể tái chế được. Điều đó có nghĩa là chúng tôi, những sinh viên tốt nghiệp ngành thời trang cũng đang góp phần vào vấn đề ô nhiễm nếu chúng tôi vẫn làm theo cách truyền thống”.

Thời trang từ tảo  ảnh 1Thời trang từ tảo của Scarlett Yang
Nhược điểm duy nhất của chất liệu này là bạn không thể mặc nó ra ngoài mưa. “Khi trời mưa, nó biến mất”, Scarlett Yang cười nói. Nhưng cô đã tìm ra một giải pháp thông minh: “Tôi sử dụng protein tơ tằm, hiện là một trong những nguyên liệu chính của tôi. Tôi phát hiện ra nó trong chuyến thăm một nhà máy dệt ở Nhật Bản”. Cô đã kết hợp protein tơ tằm với chiết xuất tảo để tạo ra một vật liệu sinh học bền vững. Dù mới bắt đầu sự nghiệp nhưng Scarlett có cả một tương lai tươi sáng phía trước khi thiết kế của cô giành được giải thưởng bền vững danh giá của Louis Vuitton.

Scarlett Yang không phải là người đầu tiên nhận ra lợi ích của tảo. Nhà thiết kế Charlotte McCurdy ở New York đã tạo ra một loại vật liệu từ tảo và dùng nó để tạo ra một chiếc áo khoác hấp thụ CO2 từ khí quyển. Quần áo của nhà thiết kế người Canada gốc Iran Roya Aghighi cũng làm từ tảo có thể biến carbon dioxide thành oxy thông qua quá trình quang hợp. Và tảo cũng không phải là vật liệu tự nhiên duy nhất có chỗ trong tủ quần áo tương lai. Thương hiệu Vollebak của Anh đã biến bạch đàn thành một chiếc áo khoác và nhuộm nó bằng quả lựu. Steve Tidball, đồng sáng lập Vollebak, cho biết: “Những bộ quần áo sinh học được thiết kế để hỗ trợ, thay vì làm tổn thương môi trường. Tảo và cây được tạo ra từ việc loại bỏ carbon khỏi khí quyển, và sau 3 tháng, nó biến thành đất, giúp cây cối phát triển. Bạn có thể bỏ quần áo cũ vào rừng và thiên nhiên sẽ chăm sóc phần còn lại”. 

Sử dụng màu nhuộm từ thực vật, thay vì mực tổng hợp, có nghĩa là chiếc áo sẽ bị phai màu theo thời gian. Ngay sau khi tiếp xúc với không khí, màu tảo bắt đầu bị oxy hóa, điều đó có nghĩa là màu xanh lá cây sẽ bắt đầu thay đổi và áo của bạn có thể trông khác đi qua từng tuần cho tới khi nó mờ dần, tạo nên nét độc đáo cho chiếc áo. Vollebak là công ty thời trang mới khởi nghiệp được 5 năm, từng được biết đến với việc sử dụng các loại vải công nghệ cao được mặc trong tương lai. Trước đó, công ty đã cho ra mắt chiếc áo làm từ sợi carbon thường được sử dụng trong động cơ phản lực, vì vậy nó đặc biệt bền và có khả năng chống rách. Vollebak cũng đã thiết kế một chiếc áo khoác từ graphene, một vật liệu dẫn điện và đang có kế hoạch bổ sung tính năng sưởi ấm trong chiếc áo khoác dẫn điện này.
Nguồn: Lam Điền - Sài Gòn Giải Phóng Online

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.086.059
Khách
: 1.039
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0