Trọng tâm chương trình nghị sự của hội nghị kéo dài hai ngày này là tìm cách thu hẹp các bất đồng trong một loạt vấn đề then chốt vốn đã khiến vòng đàm phán cấp bộ trưởng mới nhất diễn ra cuối tháng Bảy vừa qua tại Hawaii không đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Đó là việc Mỹ hạn chế nhập khẩu một số linh kiện ôtô từ Nhật Bản, vấn đề Mỹ và Canada mở cửa thị trường đối với các sản phẩm bơ sữa của New Zealand và thời gian bảo hộ độc quyền đối với mặt hàng dược phẩm thế hệ mới.
Khi được hỏi về khả năng đạt được thỏa thuận cuối cùng tại vòng đàm phán này, một quan chức giấu tên của Mỹ bày tỏ hy vọng các bên sẽ vượt qua được khác biệt và hoàn tất tiến trình đàm phán.
Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand John Key đánh giá vòng đàm phán này là cơ hội tốt để hoàn tất TPP, đồng thời cảnh báo các hệ quả tiêu cực trên phương diện chính trị nếu quá trình đàm phán kéo dài.
Ông John Key cũng cho rằng cuộc gặp của các nhà lãnh đạo các nước tham gia đàm phán TPP tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào trung tuần tháng 11 tới ở Philippines “có lẽ là cơ hội cuối cùng để đạt được TPP trong năm 2015.”
Chuyên gia kinh tế Sean West của nhóm tư vấn Eurasia Group thì nhận định dù vẫn tồn tại khá nhiều rào cản, song một thỏa thuận cuối cùng là hoàn toàn “trong tầm tay” kể cả khi hội nghị bộ trưởng tại Atlanta tiếp tục bế tắc.
Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2005 và đến nay đã thu hút sự tham gia của 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.
Các nước này đang nỗ lực hướng tới việc ký kết thỏa thuận trong thời gian sớm nhất, sau khi đã bỏ lỡ hạn chót đặt ra cuối năm 2013.
Ước tính, một khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới./.