Thông tin cần biết

Hôm nay, Chủ Nhật, 13/10/2024

Đăng ký nhận tin

Hội thảo “Công nghệ in - Giải pháp ưu việt cho phát triển bền vững” đã được tổ chức tại Bình Dương

25/09/2023 01:54 CH
Ngày 21/09/2023, tại Trung tâm WTC, TP Thủ Dầu Một, Tỉnh Bình Dương, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Công nghệ in - Giải pháp ưu việt cho phát triển bền vững”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Triển lãm VIETNAM TEXPRINT 2023.
 Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Nguyễn Thái Hùng – Phó Chủ tịch VITAS cho biết, năm 2022, tổng kim ngạch XK hàng dệt may của VN đạt 44 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2021. Về tình hình năm 2023 - đây là năm có nhiều khó khăn đối với ngành dệt may VN. Tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may VN 8 tháng qua ước đạt 26,2 tỷ USD, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến tổng kim ngạch XK năm 2023 đạt khoảng 39,5 – 40 tỷ USD.

 

Ông Nguyễn Thái Hùng – Phó Chủ tịch VITAS phát biểu khai mạc hội thảo

Theo Ông Hùng, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn,  một trong những điểm nghẽn trong quá trình sản xuất kinh doanh là khâu sản xuất vải: các công đoạn dệt, nhuộm, in, hoàn tất vải - vẫn đang là công đoạn yếu nhất trong toàn bộ chuỗi cung ứng hàng dệt may. Khâu nhuộm vải mặc dù đem lại giá trị gia tăng cho chuỗi cung ứng dệt may, song quá trình xử lý nước thải của công đoạn này phức tạp và tốn kém, chi phí đầu tư ban đầu cao. Đánh giá cao nỗ lực của BTC trong việc phối hợp tổ chức Triển lãm TEXPRINT 2023 và Hội thảo về công nghệ in, Ông Hùng khẳng định, sự kiện này giúp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt, nhuộm in, sản xuất vải, phụ liệu dệt may và trang phục tìm hiểu các công nghệ in mới, hiện đại. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia trong nước và quốc tế; tạo điều kiện, quảng bá, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm của đơn vị, từ đó có định hướng đầu tư máy móc thiết bị công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu và mục tiêu phát triển xanh và bền vững của ngành dệt may Việt Nam.

 

Ông Dmitry Sarbaev – CEO Công ty TNHH Pluxmall DTG thuyết trình về Chuyển đổi kỹ thuật số và tính bền vững trong in ấn dệt may

Tại hội thảo, đại biểu tham dự đã được nghe các chuyên gia trao đổi về những chủ đề: Chuyển đổi kỹ thuật số và tính bền vững trong in ấn dệt may; Công nghệ in nhãn - giải pháp chống hàng giả ngành dệt may và Giải pháp in vải tùy chỉnh cho khách hàng. Trong đó nêu rõ về bản chất, nội dung, những ưu việt của công nghệ in kỹ thuật số; định hướng và các cơ hội, thách thức đối với việc phát triển in kỹ thuật số tại Việt Nam.

 

Bà Lại Thị Hồng Vân – CEO Công ty CP GM Corp trao đổi về giải pháp tem chống hàng giả trong ngành thời trang

Các chuyên gia cho biết, hiện tại, công nghệ in trên vải đã phát triển vượt bậc với ứng dụng kỹ thuật số và sử dụng mực in thân thiện môi trường đem lại những sản phẩm đạt chất lượng cao, vừa đáp ứng được yêu cầu của các nhãn hàng, đồng thời có thể đáp ứng được xu hướng cá nhân hóa cho từng sản phẩm thời trang.

 

Ông Nguyễn Hữu Phúc – GĐ Công ty CP Fadatech/ CT Công ty TNHH COMO chia sẻ về các giải pháp in vải tùy chỉnh cho khách hàng

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ sâu hơn về những khó khăn, thuận lợi tại các đơn vị, trao đổi kinh nghiệm đối với các giải pháp công nghệ mới ứng dụng trong lĩnh vực in, nhuộm và hoàn tất theo hướng thân thiện với môi trường, đóng góp ý kiến về những giải pháp quản trị tiên tiến để sự kết nối các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng thực sự có hiệu quả hơn.  

Đại diện doanh nghiệp và các chuyên gia thống nhất rằng, để tăng tỷ lệ nội địa hoá nguyên liệu vải, sợi; mỗi đơn vị cũng như ngành dệt may cần ưu tiên về nâng cao năng lực kỹ thuật in, nhuộm và hoàn tất vải, cùng với việc thực hiện các giải pháp về tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng; sản xuất xanh – sạch cho toàn chuỗi cung ứng; từng bước chuyển đổi số và hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn và để  chung tay góp phần xây dựng ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Nguyễn Bình - VITAS

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.338.740
Khách
: 244
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0