Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Hai, 11/11/2024

Đăng ký nhận tin

Ngành dệt may Việt Nam chuẩn bị cho TPP (phần II)

16/04/2015 01:21 CH
FTA với Hàn Quốc và Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan đã đàm phán xong, FTA Việt Nam – EU và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đã đi vào những vòng cuối. Đây có thể coi là tín hiệu lạc quan cho xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong nỗ lực nâng kim ngạch xuất trước năm 2020 lên 50 tỷ USD.

Các Hiệp định FTA đang mở ra cơ hội phát triển bứt phá lớn cho ngành và Tập đoàn Dệt May Việt Nam như ưu đãi thuế quan, tăng lợi nhuận biên, tăng quy mô xuất khẩu, thu hút đầu tư hoàn thiện chuỗi cung ứng, phát triển các thị trường mới, tăng cường năng lực quản trị của doanh nghiệp và chuyển dịch lên vị trí cao hơn của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, các FTA cũng mang lại  thách thức cho các doanh nghiệp. Điểm yếu nhất của ngành dệt may Việt Nam là ở lĩnh vực dệt - nhuộm để sản xuất vải - một phân khúc nguyên liệu quan trọng trong chuỗi sản xuất hàng dệt may. Nhiều người e rằng với quy định xuất xứ từ sợi, doanh nghiệp trong nước khó lòng hưởng lợi từ TPP do ngành dệt may vốn phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc và một số nước ASEAN.

Câu chuyện đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ đã được bàn tính từ lâu, nhưng đến nay, lĩnh vực dệt - nhuộm vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nước ngoài bởi doanh nghiệp Việt Nam đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa mạnh về vốn, trang thiết bị còn phát triển chậm, thiếu hụt lao động chất lượng và chính sách đầu tư chưa hoàn thiện.

Nếu không xác định lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước và tăng giá trị cho các sản phẩm xuất khẩu, rất có thể Việt Nam sẽ trở thành cứ điểm sản xuất hàng hóa của những nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước vẫn tiếp tục làm gia công cho họ như trong thời gian qua.


Vinatex: Hướng đến hình thành chuỗi cung ứng

Sớm nhận thức được xu hướng phát triển, từ nhiều năm nay Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã có chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động nguồn nguyên liệu và nâng cao giá trị gia tăng. Cụ thể, Tập đoàn đang tiến hành chuyển đổi phương thức kinh doanh theo mô hình chuỗi cung ứng ODM và giao cho Công ty Vinatex Quốc tế (VTJ) là đơn vị đầu mối triển khai trực tiếp. Với mô hình trọn gói, năm 2014 VTJ đã đạt doanh thu 280 tỷ đồng, trong đó doanh thu xuất khẩu đạt trên 170 tỷ. Các khách hàng trực tiếp là TOMS, Marubeni, Shikibo, Asmara, Targer…Công ty đã kết nối năng lực sản xuát của một số đơn vị trong Tập đoàn và xây dựng được bộ máy cán bộ chất lượng cao đảm nhiệm công tác thị trường và thiết kế kĩ thuật.


Vinatex đã khởi công xây dựng Khu liên hợp Sợi Dệt Nhuộm May Quế Sơn

Trong 3 năm 2011-2014, tổng các dự án đầu tư toàn Tập đoàn đạt 217, gần bằng với số dự án triển khai trong 6 năm trước đó. Trong đó, sợi dệt nhuộm là những lĩnh vực được Tập đoàn chú trọng đầu tư hơn cả. Năm 2014, Tập đoàn trực tiếp làm chủ đầu tư 6 dự án: Sợi Phú hưng, Nhà máy sản xuất sợi Yarndyed Long an, Nhà máy Sợi phú Cường, Nhà máy Sợi Nam Định, Nhà máy May Vinatex Kiên Giang và Khu kiên hợp Sợi Dệt Nhuộm Quế Sơn, đều dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2015-2016 (riêng Sợi Phú Hưng đã hoàn thành vào tháng 7/2014).

Mô hình Tổng Công ty miền Bắc – hiện thực hóa chuỗi cung ứng đầu tiên

Năm 2014 cũng là năm đánh dấu sự thay đổi trong mô hình hoạt động khi Vinatex tiến hành tái cơ cấu và IPO thành công, chính thức trở thành Tập đoàn cổ phần vào tháng 2/2015. Tổng Giám đốc Tập đoàn Lê Tiến Trường cho biết, thoái vốn chỉ là một phần nhỏ trong chiến lược tái cơ cấu Tập đoàn. Hội đồng quản trị xác định, nhiệm vụ quan trọng nhất của tái cơ cấu là nâng cao hiệu quả quản trị kinh doanh, chuyển dịch dần sang mô hình sản xuất theo hướng ODM đáp ứng yêu cầu của xu hướng phát triển mới.

Sau gần 3 tháng hoạt động theo mô hình cổ phần, Tập đoàn đã hình thành chuỗi cung ứng đầu tiên với việc thành lập mô hình Tổng Công ty miền Bắc với đầu mối là VTJ có nhiệm vụ nghiên cứu thị trường, thiết kế, sản xuất mẫu, quản lý chuỗi. Các công ty thành viên gồm Dệt 8-3 với lĩnh vực Dệt thoi, Dệt kim Đông Xuân với lĩnh vực dệt kim, Hanosimex với sợi và may dệt kim, cùng các công ty liên kết khác như May Đáp Cầu, May Chiến Thắng…  Đây là bước đầu hiện thực hóa chuỗi cung ứng toàn Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Tiếp sau miền Bắc, chuỗi cung ứng sẽ được xây dựng và triển khai tại miền Nam và miền Trung.

Nỗ lực chung của ngành, Chính phủ và cộng đồng

Trước khi tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các nước trong khối đã là những thị trường lớn của dệt may Việt Nam. Chính phủ đánh giá dệt may có năng lực cạnh tranh tốt trên thị trường thế giới và vẫn còn dư địa phát triển trong 20-30 năm tới, vì vậy đã  chọn ngành là lĩnh vực cốt lõi, cần đảm bảo lợi ích trong đàm phán Hiệp định.

Tuy nhiên với quy tắc xuất xứ chặt chẽ, ngành Dệt May Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức do TPP mang lại. Có thể thành công hay không, không chỉ do nỗ lực của bản thân doanh nghiệp mà còn phải có sự chia sẻ từ phía cộng đồng và Chính phủ.  Khi tham gia đàm phán bất cứ Hiệp định nào, các cơ quan quản lý nhà nước đều đã đánh giá và xác định những điểm được và mất giữa các ngành kinh tế. Có những ngành sẽ phải tạm thời giảm lợi ích để lấy lợi thế về cho ngành chủ lực và cho toàn nền kinh tế quốc gia.


Một trong những phiên đàm phán FTA Việt Nam -EU

Bên cạnh đó, trong quá trình chuyển dịch mô hình sản xuất, các doanh nghiệp vẫn còn gặp phải những vướng mắc về cơ chế như cơ chế xét duyệt dự án đầu tư tại các địa phương còn không khuyến khích dệt nhuộm, các tiêu chuẩn đánh giá môi trường còn chưa đồng nhất, tiếp cận vốn vay thương mại còn hạn chế…

Với những khó khăn trên, doanh nghiệp dệt may mong muốn Chính phủ có những cơ chế đặc thù cho ngành phù hợp với điều kiện phát triển thực tế, ví dụ bổ sung thêm các tiêu chuẩn vốn là lợi thế của ngành vào tiêu chuẩn đánh giá đầu tư tại địa phương; tạo điều kiện nâng cao chất lượng nhân lực cao cho ngành; cải cách đẩy nhanh các thủ tục hành chính, xem xét tháo gỡ  khó khăn cho doanh nghiệp; chính sách quy định về thuế, lao động và an toàn môi trường cần có lộ trình cụ thể và lâu dài để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh giữa các đối tượng kinh tế; quản lý chặt chẽ thị trường trong nước, hạn chế hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng…

Mặc dù 2 Hiệp định quan trọng và trực tiếp nhất với ngành dệt may là FTA Vietnam – EU và TPP nhiều khả năng đến giữa năm 2016 và cuối năm 2018 mới bắt đầu có hiệu lực nhưng giai đoạn hiện nay là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp chuyển mình và đầu tư bứt phá. Với sự chuẩn bị kĩ lưỡng, tin tưởng rằng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong đó có Vinatex sẽ nắm lấy thời cơ, tận dụng lợi thế từ các Hiệp định để tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp hơn nữa vào kinh tế - xã hội của đất nước. 

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.386.507
Khách
: 2.136
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Ngành dệt may Việt Nam chuẩn bị cho TPP (phần II) Rating: 5 out of 10 57757.
Core Version: 1.8.0.0