Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

Hoàn thiện thể chế, chính sách để phát triển bền vững

03/10/2014 01:10 CH
Ngày 02 tháng 10 năm 2014, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với Bộ Công Thương về tình hình sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ những tháng cuối năm 2014.

Phát triển đồng đều, toàn diện

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, 9 tháng đầu năm 2014, kinh tế cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, do triển khai thực hiện tốt các giải pháp, chính sách đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 và Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ, cùng với sự quyết liệt trong điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước và sự nỗ lực của các doanh nghiệp đã góp phần tháo gỡ khó khăn và giữ vững sự ổn định, phát triển chung của nền kinh tế.

Cụ thể, tăng trưởng sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2014 cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2013 và năm 2012. So với tháng 9 năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 8,6%. Tính chung 9 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,7%. Phân theo ngành kinh tế, sản xuất và phân phối điện tăng 11,2% (cùng kỳ năm 2013 tăng 8,3%; 6 tháng 2014 tăng 10,9%). Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2013 chỉ tăng 6,8%; 6 tháng 2014 tăng 7,8%). Cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,0%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (tăng 9,5%). Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 0,4% (trong khi cùng kỳ năm 2013 giảm 0,2% và 6 tháng 2014 giảm 2,5%), trong đó sản lượng khai thác than cứng, than non và thu gom than cứng tăng 0,6%.

Tính đến hết tháng 8, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2013 tăng 10,1% so với năm 2012), trong đó tiêu thụ tăng cao ở những nhóm hàng như: sản xuất da và sản phẩm có liên quan, sản xuất giày dép, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, thiết bị điện, sản xuất xe có động cơ... tăng trưởng trên 10%.

Đáng chú ý, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã giảm: thời điểm 01 tháng 01 năm 2014, tăng 9,7%; thời điểm 01 tháng 3 năm 2014 tăng 13,4%; thời điểm 01 tháng 6 năm 2014 tăng 12,8%; đến thời điểm 01 tháng 9 năm 2014 chỉ còn tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. (Phụ lục 4). Những ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là: sản xuất chế biến thực phẩm (+16,8%), sản xuất đồ uống (+20,8%), sản xuất trang phục (+39,6%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (+41,9%), sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (+44,8%), v.v…

Biểu đồ : Chỉ số IIP, chỉ số tiêu thụ và chỉ số tồn kho so với cùng kỳ năm trước

Về hoạt động thương mại, tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) 9 tháng ước đạt 109,63 tỉ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2013 (tương đương với 13,59 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt hơn 67,2 tỷ USD, tăng 14,6%; xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 73 tỷ USD, tăng 14,1%; xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đạt 36,64 tỷ USD tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, KNXK bình quân trong 9 tháng đầu năm ước đạt 12,2 tỷ USD/tháng, 9 tháng có 21 mặt hàng có KNXK trên 1 tỷ USD, tăng 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước đó là rau quả và hạt tiêu.

Biểu đồ: KNXK 9 tháng đầu năm từ năm 2012 đến năm 2014

Về nhập khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hoá 9 tháng ước đạt 107,16 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2013. Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 60,3 tỷ USD, tăng 9,8% và chiếm tỷ trọng 56,3% tổng KNNK cả nước; kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt gần 46,9 tỷ USD và chiếm tỷ trọng 43,7% tổng KNNK cả nước, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2013.

Tình hình cán cân thương mại, xuất siêu 9 tháng năm 2014 ước khoảng 2,47 tỉ USD, bằng 2,3% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) xuất siêu 6,9 tỷ USD, nếu kể cả dầu thô khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài xuất siêu khoảng 12,7 tỷ USD. Các doanh nghiệp trong nước nhập siêu 10,23 tỷ USD.

Biểu đồ: Xuất nhập khẩu và cán cân thương mại 9 tháng năm 2009 đến 9 tháng năm 2014

Nhìn chung, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam 9 tháng năm 2014 có tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu. Với mục tiêu kế hoạch KNXK tăng 10% thì cả năm phải đạt 145,4 tỷ USD. Tuy nhiên, trong chín tháng đầu năm đã đạt 109,6 tỷ USD và trên thực tế, tình hình xuất khẩu vẫn có xu hướng tăng, theo thống kê của những năm gần đây KNXK Việt Nam thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm, nếu không có yếu tố đột biến khả năng xuất khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 148 tỷ USD, tăng khoảng 12% so với năm 2013 (cao hơn mục tiêu tăng 10% do Quốc hội đề ra). Nhập khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 146,5 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2013. Xuất siêu khoảng 1,5 tỷ USD.

Về thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: tháng 9 năm 2014 ước đạt 244.529 tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước, tính chung 9 tháng đầu năm 2014, tổng mức bán lẻ đạt 2.145.470 tỷ đồng, tăng 11,12% so với cùng kỳ năm 2013, thấp hơn so với mức tăng 12,5% của năm ngoái và thấp so với cùng kỳ các năm trước (các năm trước thông thường tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng so với cùng kỳ thường tăng khoảng 17 - 22%), nguyên nhân chủ yếu do sức mua yếu. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2013 đạt mức tăng 6,22%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2014 tăng 0,4% so với tháng trước. 9 tháng đầu năm 2014 CPI tăng 4,61% so với cùng kỳ năm 2013 (đây là mức tăng thấp so với các năm trước, CPI cùng kỳ năm 2013 đạt mức tăng 4,63%, cùng kỳ năm 2012 tăng 5,13%). Ngoài ra, CPI 9 tháng đầu năm của các nhóm hàng khác phần lớn tăng dưới mức tăng chung (là 4,61%), riêng nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,81% do giá cả vật liệu xây dựng giảm.

Khả năng đạt kế hoạch khả thi

Đánh giá chung về tình hình và triển vọng phát triển hoạt động ngành Công nghiệp và Thương mại năm 2014, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, dự báo những tháng cuối năm, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng với các yếu tố khả quan như: Các doanh nghiệp trong nước tiếp tục gia tăng nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất. Các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu từng bước phát huy tác dụng, các hoạt động xúc tiến bán hàng trên thị trường nội địa cũng được tích cực triển khai sẽ góp phần tiêu thụ sản phẩm, giảm lượng hàng tồn kho. Các nhóm hàng dệt may, da giầy, linh kiện điện tử đã có đơn hàng ổn định, nhu cầu khách hàng vẫn tăng ... là những yếu tố thúc đẩy sản xuất phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm có thể bị ảnh hưởng bởi những thách thức mới xuất hiện sẽ gây không ít áp lực cho sản xuất, kinh doanh trong nước, như: tình hình chính trị thế giới còn tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường, các rào cản thương mại tiếp tục gia tăng, sự hồi phục kinh tế thế giới còn chậm, v.v… Với những yếu tố trên, dự báo sản xuất công nghiệp trong những tháng cuối năm tiếp tục tăng trưởng nhưng không cao, ước cả năm 2014, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng trên 7%.

Tại buổi làm việc, các đại biểu tham dự đã đề xuất những kiến nghị nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc và hoàn thành được mục tiêu kế hoạch năm. Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, tiêu thụ than trong 9 tháng năm 2014 dự kiến đạt 26,5 triệu tấn bằng 76% kế hoạch năm và tăng 11% so với cùng kỳ. Trong đó, than xuất khẩu ước đạt 4,9 triệu tấn, đạt 61% kế hoạch năm và bằng 68% so với cùng kỳ năm 2013; than tiêu thụ trong nước 21,6 triệu tấn, đạt 80% kế hoạch năm và tăng 28% so với cùng kỳ. Tồn kho than cuối quý III là 7,7 triệu tấn (than sạch thành phẩm 5,2 triệu tấn; nguyên khai và bán thành phẩm 2,2 triệu tấn). Trước dự báo tình hình tiêu thụ than tại thị trường trong và ngoài nước có sự phục hồi nhưng vẫn còn khó khăn, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam kiến nghị: Chính phủ xem xét cho Tập đoàn được vay vốn từ nguồn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, một phần vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư phát triển ngành Than theo Quy hoạch, phục vụ cho phát triển nhiệt điện than; bảo lãnh vay vốn nước ngoài cho Tập đoàn để đầu tư phát triển ngành Than. Bên cạnh đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ cấp phép thăm dò và cấp phép khai thác, tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện đúng tiến độ quy hoạch đề ra. Đồng thời, đề nghị Nhà nước xem xét, điều chỉnh giảm thuế, phí đối với tài nguyên than.

Báo cáo về tình hình sản xuất điện trong 9 tháng đầu năm, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, sản lượng điện sản xuất 9 tháng năm 2014 ước đạt 104 tỷ kWh, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Điện thương phẩm 9 tháng năm 2014 ước đạt gần 95,36 tỷ kWh, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Ngành Điện đã đưa vào vận hành 25 công trình (8 công trình 500kV, 17 công trình 220kV) và khởi công được 22 công trình lưới điện 500-220kV; đã đưa vào vận hành 11 công trình nguồn điện với tổng công suất đặt là 2.396,5 MW.

Để hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra, Tập đoàn tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị đảm bảo vận hành hệ thống điện ổn định, an toàn, tin cậy, đảm bảo chất lượng điện năng và kinh tế; khai thác cao các nhà máy thủy điện có nước về nhiều, đặc biệt ở khu vực miền Bắc, các nhà máy thủy điện khác khai thác theo thực tế nước về và đảm bảo các yêu cầu về cấp nước phục vụ dân sinh, tưới tiêu nông nghiệp, đẩy mặn, các nhà máy nhiệt điện than, tua bin khí huy động theo phụ tải thực tế, các nhà máy nhiệu điện dầu FO, DO để dự phòng, khai thác khi cần thiết.

Ông Hoàng Quốc Vượng cũng mong muốn Chính phủ ưu tiên bố trí vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện cấp điện cho vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc, dự án cấp điện cho các đảo và huyện đảo. Tiếp tục ưu tiên bố trí các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài cho các dự án điện. Đồng thời, cho phép các dự án điện được vay vốn tín dụng ưu đãi trong nước phục vụ di dân tái định cư và chế tạo thiết bị trong nước.

Quyết liệt hoàn thành mục tiêu

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu và những kết quả mà ngành Công Thương đã đạt được thời gian qua. Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, những kết quả này là khá toàn diện trên các lĩnh vực và là đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn, ngành Công Thương tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, những kết quả đạt được, tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra cho năm 2014.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Ngành Công Thương phải phấn đấu quyết liệt hơn nữa nhằm hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu Ngành đã đề ra cho năm 2014 cũng như hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ của Ngành”.

Đề cập tới các nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, ngành Công Thương cần đặc biệt quan tâm đến hoạt động quản lý Nhà nước của Ngành, lưu ý đến việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường để thị trường cạnh tranh hơn, minh bạch hơn, bình đẳng hơn, phân bổ nguồn lực tốt hơn. Cần tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để ngành Công Thương phát triển bền vững, hội nhập, cạnh tranh trên các lĩnh vực.

“Cần tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó, thứ nhất điện phải không để thiếu; thứ hai xăng dầu phải ổn định, chất lượng; thứ ba phải đảm bảo được than. Không được để mất ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế” - Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Bộ Công Thương cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu Ngành theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Tiếp tục quan tâm mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường ngoài nước. Nâng cao hiệu quả của công tác quản lý thị trường, tích cực ngăn ngừa buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng để đảm bảo sản xuất trong nước và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng bày tỏ quyết tâm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém, quyết liệt thực hiện các giải pháp đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra, góp phần vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương
» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.087.157
Khách
: 923
 
Hoàn thiện thể chế, chính sách để phát triển bền vững Rating: 5 out of 10 115000.
Core Version: 1.8.0.0