Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

Doanh nghiệp dệt may nỗ lực chèo lái qua thời kỳ khó khăn

19/07/2019 11:41 SA
Mặc dù các Hiệp định thương mại được cho là mang lại nhiều lợi thế cho DMVN như CPTPP đã đi vào hiệu lực, thì khó khăn của Ngành vẫn còn đó do thị trường thế giới diễn biến phức tạp với nhiều kịch bản khó đoán: xung đột chính trị, cạnh tranh giữa các nước lớn gay gắt, chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại gia tăng, tạo nên biến động lớn đối với dệt may toàn cầu.

Vậy DMVN sẽ phải ứng phó như thế nào để tiếp tục phát triển bền vững, thực hiện chiến lược dịch chuyển lên phương thức sản xuất mới FOB, ODM, và gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu?

Cơ hội tăng trưởng trong thị trường CPTPP

Thời gian qua, Hiệp định CPTPP có hiệu lực đã tác động mạnh tới ngành Dệt May Việt Nam. Với dân số 500 triệu người, GDP chiếm 14% toàn cầu và dung lượng thị trường dệt may khoảng 83 tỷ USD, CPTPP là Hiệp định mang lại nhiều cơ hội về tiếp cận thị trường, gia tăng xuất khẩu nói chung và hàng dệt may nói riêng.

Hiện tại kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang khối CPTPP chỉ đạt 5,3 tỷ USD, trong đó đã có 4 tỷ USD xuất khẩu sang thị tường Nhật Bản. Thị phần của dệt may Việt Nam tại các quốc gia tham gia CPTPP là rất nhỏ, chiếm 6,3% do đó dư địa tăng trưởng cho dệt may Việt Nam tại các thị trường này rất lớn.






























Lợi ích lớn nhất mà bất cứ Hiệp định FTAnào mang lại đó là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu thông qua việc cắt giảm thuế quan. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi về cắt giảm thuế quan, quốc gia xuất khẩu cần đáp ứng được quy tắc về xuất xứ. Với Hiệp định CPTPP, quy tắc với mặt hàng dệt may là quy tắc khá chặt, quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”. Với dệt may Việt Nam nút thắt cổ chai là nguyên phụ liệu đầu vào, đặc biệt là vải, do đó để đáp ứng được quy tắc từ sợi trở đi có khá nhiều thách thức. Vì thế lợi ích từ cắt giảm thuế quan và lợi ích từ Hiệp định chỉ thực sự có hiệu quả khi doanh nghiệp tìm cách đáp ứng được quy tắc về xuất xứ.

Bên cạnh đó, việc cắt giảm thuế vừa có tác dụng thúc đẩy xuất khẩu, vừa là lực hút đối với đầu tư nước ngoài. Chúng ta có thể kỳ vọng là khi các nhà đầu tư nước ngoài thấy Việt Nam là thị trường tiềm năng, thì xu hướng chuyển giao công nghệ, đầu tư chuỗi NPL sẽ gia tăng.

Riêng các doanh nghiệp trong Tập đoàn, từ lâu đã nhận thức rõ các lợi ích cũng như thách thức mà Hiệp định CPTPP mang lại. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận sẽ thua ngay trên sân nhà trước khối doanh nghiệp FDI. Cũng vì nhận thức rõ như vậy nên thời gian qua, các doanh nghiệp trong Tập đoàn và nhất là Vinatex đã có những bước tích cực trong công tác khai thác thị trường mới, đầu tư chuỗi và đầu tư vào những dự án NPL để làm sao đáp ứng được tốt nhất quy tắc về xuất xứ nhằm tận dụng tối đa các lợi ích cắt giảm thuế mà Hiệp định mang lại. 

Ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung

Bắt đầu từ tháng 7/2018 đến trước thềm hội nghị G20 cuối tháng 6/2019 vừa qua, Mỹ đã áp tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa xuất xứ Trung Quốc với tổng trị giá 250 tỷ Đô la Mỹ chia thành 3 gói: (1) Một gói áp thuế với tị giá 34 tỷ USD, thuế suất áp thêm 25% trên thuế MFN, có hiệu lực vào 06/7/2018; (2) Gói áp thuế với trị giá hàng hóa 16 tỷ USD, thuế áp thêm 25% trên thuế MFN, có hiệu lực vào 23/8/2018; (3) Gói áp thuế 200 tỷ USD, thuế áp thêm 10% trên thuế MFN, có hiệu lực 24/9/2018. Gói thứ 3 kéo dài đến ngày 10/5/2019 và từ ngày này được nâng mức áp thuế suất từ 10 lên 25%.

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung khi bắt đầu nhen nhúm xảy ra hồi tháng 6/2018 đã ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung dệt may toàn cầu.  Khi đó, ngành Dệt Trung Quốc bắt đầu giảm sản xuất, giảm nhập khẩu, giảm tồn kho, kết quả kéo theo thị trường bông thế giới, thị trường sợi thế giới bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực. Năm 2018, khi chiến tranh thương mại xảy ra, các doanh nghiệp sợi Việt Nam gặp nhiều khó khăn vào 3 tháng cuối năm do sản phẩm sợi Việt Nam chủ yếu xuất khẩu vào Trung Quốc.

Bên cạnh yếu tố suy giảm đơn hàng kể trên, yếu tố tỷ giá cũng đóng vai trò then chốt. Các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc tìm cách hạ giá đồng NDT để bù lại những tổn thất từ việc áp thuế thêm gây ra. Việt Nam xuất khẩu sợi thu bằng đồng USD, do đó khi đồng NDT giảm giá so với USD, các nhà nhập khẩu Trung Quốc sẽ yêu cầu nhà xuất khẩu giảm giá để san sẻ rủi ro về tỷ giá.

Về tổng thể, chiến tranh thương mại sẽ không có lợi cho quốc gia nào, không có lợi cho cả phía Trung Quốc, Mỹ và các nước đối thủ cạnh tranh với Trung Quốc như Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh. Bởi Trung Quốc vừa là nhà sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu dệt may lớn nhất thế giới, do đó khi tình hình sản xuất ở Trung Quốc biến động sẽ kéo theo cả chuỗi cung toàn cầu biến động.

Ảnh minh họa

Khi chiến tranh Mỹ – Trung xảy ra, nhiều chuyên gia hay phân tích về việc liệu các đối thủ cạnh tranh như Việt Nam, Bangladesh, Myanmar, Ấn Độ sẽ giành được miếng bánh thị phần của Trung Quốc trên thị trường Mỹ khi giá thành nhập khẩu từ Trung Quốc đắt đỏ hơn hay không? Trong chiến lược tìm nguồn hàng của các nhà mua lớn từ nước ngoài cho thấy họ thường đa dạng hóa nhà cung cấp và tìm kiếm nguồn hàng trên toàn cầu. Tuy nhiên để một quốc gia có thể thay thế được Trung Quốc trong ngắn hạn và trung hạn là điều chưa thể, bởi khoảng cách về năng lực sản xuất, về công nghệ, tay nghề công nhân, về quy mô sản xuất dệt may Trung Quốc với đối thủ cạnh tranh là khá xa, dù trong vài năm trở lại đây xu hướng chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang các nước cạnh tranh là rõ rệt. Về dài hạn, nếu các nước cạnh tranh được đầu tư và tạo điều kiện đúng đắn thì ngành dệt may có thể dần lớn mạnh hơn và có thể theo kịp Trung Quốc. Tuy nhiên khi ta tiến lên về sản phẩm dệt may, thì họ cũng tiến lên các sản phẩm có giá trị cao hơn, do đó về dài hạn chưa thể khẳng định được liệu có đối thủ cạnh tranh nào vượt mặt được Trung Quốc hay không.

Xu hướng chuyển dịch nhà máy từ Trung Quốc đi các quốc gia đã xảy ra khoảng 10 năm trở lại đây do giá nhân công, giá sản xuất ở Trung Quốc ngày càng đắt đỏ hơn. Năm 2017, trung bình lương thưởng trả cho một công nhân dệt may Trung Quốc vào khoảng 550 USD/tháng thì ông chủ nhà máy chỉ cần trả 120 USD cho công nhân Ấn Độ, 110 USD cho công nhân Bangladesh, hay 230 USD cho công nhân Việt Nam. 10 năm vừa qua Trung Quốc chuyển dịch sang Việt Nam, sang Bangladesh, sang Campuchia, Myanmar, và gần đây nhất là Ethiopia và các nước Châu Phi.

Cơ hội và thách thức cho ngành Dệt May Việt Nam

Cơ hội

Dệt May Việt Nam được coi là lựa chọn khá tốt thay thế Trung Quốc ở một số nhóm mặt hàng nhờ lao động dồi dào, trình độ lao động khá cao so với các nước cạnh tranh khác trong khu vực, và giá lao động còn rẻ trong tương quan với năng suất. Việt Nam có thể là lựa chọn lý tưởng thay thế cho Trung Quốc khi hàng Trung Quốc trở nên đắt đỏ nếu trong tương lai hàng may mặc từ Trung Quốc bị đưa vào danh mục đánh thuế (hiện tại chỉ đánh thuế thuế mặt hàng dệt).

Trong ngắn và trung hạn Việt Nam vẫn có khả năng tăng cường thị phần đi các nước nhờ các HĐTM như sang EU nhờ hiệp định EVFTA và khối các nước CPTPP, đặc biệt là Canada và Úc.

Làn sóng đầu tư FDI đồng thời cũng mở ra các cơ hội cho DMVN hợp tác, các cơ hội mua bán, sáp nhập công ty, các cơ hội chuyển giao công nghệ để trở nên lớn mạnh hơn trên thị trường nội địa và quốc tế.

Thách thức

Tăng trưởng kinh tế thế giới đang trên đà giảm tốc: World Bank dự báo tăng trưởng toàn cầu được dự báo giảm từ 3% trong năm 2018 xuống còn 2,9% trong năm 2019 và 2,8 % trong năm 2020-2021. Tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển được dự báo giảm xuống mức 2% trong năm 2019.

Lãi suất liên tục được điều chỉnh tăng: Trong năm 2019, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được dự báo sẽ tăng lãi suất hai lần lên mức 3,0%. Điều này tác động đến tỷ giá và dòng vốn đầu tư (từ khu vực lãi suất thấp sang lãi suất cao). Do đó, Việt Nam có thể phải tăng nhẹ lãi suất theo đà tăng của thế giới, điều này là rủi ro mà doanh nghiệp cần lưu ý.

Đồng đô la Mỹ tăng giá, cùng thị trường tài chính biến động gây áp lực phá giá tiền tệ đối với các nước đang phát triển. Một số quốc gia dễ gặp phải nguy cơ căng thẳng về tài chính.

Thị trường dệt may thế giới nhiều biến động với nhiều kịch bản khó lường về chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, về các rào cản kỹ thuật mới gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhu cầu tiêu thụ của các thị trường lớn suy giảm do tình hình địa chính trị, tình hình kinh tế toàn cầu giảm phát, kéo theo nhu cầu nhập khẩu giảm sẽ gây khó khăn về đơn hàng và áp lực đơn giá cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp dệt may trong nước dễ trở thành đơn vị cấp 2, đơn vị gia công cho khối doanh nghiệp FDI nếu làn sóng FDI ồ ạt chảy vào Việt Nam để tránh tình trạng bị áp thuế khi xuất đi từ Trung Quốc. Tình hình cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn và áp lực về giá, về đơn hàng, áp lực năng suất sẽ trở thành các vấn đề “nóng” nhất.

Triển vọng ngành dệt may Việt Nam trong năm 2019?

Hiện tại các doanh nghiệp ngành sợi vẫn đang nghe ngóng tình hình chiến tranh thương mại với tâm lý sản xuất dè chừng, thận trọng trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động khó lường. Tình hình chiến tranh thương mại leo thang là tin không vui cho các doanh nghiệp dệt may nói chung và doanh nghiệp sợi nói riêng.

Một số dự án sợi đã đầu tư trong năm 2018 chuẩn bị đưa vào hoạt động. Tập đoàn còn đang cân nhắc những dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng mới trong năm 2019.

Các công ty may tập trung vào hướng tăng cường xuất khẩu sang các thị trường mới, thị trường phi truyền thống. Ngành may hiện tại cũng nhiều đơn vị có đơn hàng đến hết năm 2019. Thêm vào đó các công tác làm việc chặt chẽ với khách hàng nhằm chia sẻ rủi ro và lợi ích cũng được chú trọng hơn.

Với tình hình kinh tế, chính trị thế giới nhiều biến động như năm 2019 các doanh nghiệp đều cần hết sức thận trọng trong các hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất và cần phải rất nỗ lực chèo lái qua thời kỳ khó khăn này.

Kế hoạch kinh doanh Vinatex năm 2019

  • Kế hoạch kinh doanh Công ty mẹ:
  • Doanh thu và thu nhập: 1356,52 tỷ đồng, bằng 91,04% so với 2018 (doanh thu giảm do một số Chi nhánh của Tập đoàn thay đổi mô hình hoạt động: Nhà máy Sợi Phú Hưng chuyển sang Công ty cổ phần từ tháng 2/2018; Nhà máy dệt vải Yarndyed chuyển sang cho Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Phương vận hành; Chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh thu hẹp hoạt động kinh doanh)
  • Lợi nhuận trước thuế: 380,59 tỷ đồng, tăng 10,2% so với 2018.
  • Cổ tức: 6%.
  • Kế hoạch kinh doanh hợp nhất:
  • Doanh thu và thu nhập: 22.185 tỷ đồng, tăng 9,6% so với 2018
  • Lợi nhuận trước thuế: 839 tỷ đồng, tăng 10,2% so với 2018.

(Nguồn: Cao Hữu Hiếu – GĐĐH Vinatex/ Theo VTGF)


Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.086.503
Khách
: 250
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0