Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ngành dệt may trong nước đã đứng trước những thách thức gì và bài học nào được rút ra từ việc đối mặt với tình hình khẩn cấp, thưa ông?
Chủ tịch Vũ Đức Giang: Thứ nhất, phải nói rằng dịch này đã cho chúng ta bài học cực kỳ lớn khi quý I/2020 vừa rồi, từ cuối năm 2019 đầu năm 2020, phần cung bị mắc kẹt tại các nước sản xuất công nghiệp dệt may như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Chúng ta bị mắc khi các nhà các nhà máy của họ đóng cửa vì giãn cách xã hội.
Thứ hai, chúng ta lại có được một bài học nữa, đó là sức mua của các nhà nhập khẩu giảm ngay và đột ngột, tác động đến các đơn hàng chúng ta đang sản xuất, tác động đến việc giao hàng mà họ đưa ra những chính sách về thanh toán trả chậm 60 ngày, 90 ngày và thậm chí 120 ngày, 160 ngày.
Chính bài học thứ hai này đã thúc đẩy một giải pháp làm thay đổi động lực cho tầm nhìn bền vững cho ngành. Đó là sau việc đó chúng tôi thấy không có con đường nào khác là chúng ta phải nỗ lực đi bằng đôi chân của chúng ta. Bộ Công Thương đã cùng với Hiệp hội Dệt may Việt Nam đưa ra những chương trình và đưa ra những khuyến cáo và có tác động để rồi đưa ra một tầm nhìn, định hướng tầm nhìn để các doanh nghiệp chúng ta phải chủ động được sản xuất.
Cho đến giờ này, tôi cho rằng chúng ta đáp ứng được khoảng trên 44% tổng nhu cầu sản xuất trong nước. Mà cái này tôi cho rằng trong thời gian tới sẽ tăng. Bởi vì tại sao, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc chúng ta biết rồi, dịch Covid-19 vừa rồi xảy ra rồi, và đứt gãy của phần cung thiếu hụt vừa rồi đã là bài học rồi cho các nhà sản xuất, thế bây giờ các nhà đầu tư họ nhìn thấy thị trường nào có khả năng (1) về chính trị ổn định, (2) nhất quán quan điểm của Nhà nước với thể chế chính trị và mối quan hệ thương mại, thì Việt Nam là một trong những nước này. Chúng ta phải tự hào vì điều đó. Chúng ta vừa kiểm soát dịch tốt và chúng ta lại có mối quan hệ rộng mở, có tính toàn cầu như thế. Cái thứ ba là chúng ta có một nền công nghiệp phát triển, đấy là lực hấp dẫn cho dòng đầu tư nội tại trong nước cũng như lực hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đầu tư. Tôi cho rằng cái này nó sẽ là một mục tiêu, một cơ hội cho việc phát triển mà tôi tin rằng là đến năm 2025 thì khoảng cách của phần cung thiếu hụt càng ngày càng ngắn lại. Đấy là mục tiêu tôi cho rằng sẽ thành công trong thời gian tới.
Nhưng tôi cho rằng bài học xương máu nhất đó là sau khi dịch đến thì các doanh nghiệp của chúng ta xoay chuyển tình thế cực kỳ nhanh. Cho đến giờ này chúng ta vẫn duy trì được lao động, giữ được lực lượng lao động sản xuất trong các nhà máy mà không phải để cho công nhân nghỉ việc. Chúng ta mất toàn bộ các đơn hàng về veston, hàng cao cấp, hàng quần, sơ mi, mất gần hết, đến giờ này vẫn chưa có đâu. Nhưng chúng ta đã chuyển dịch sang sản xuất khẩu trang, bảo hộ lao động y tế. Như thế khi phải nói tôi cho rằng doanh nghiệp chủ động rất lớn, đáp ứng yêu cầu. Bây giờ khẩu trang trong nước thì thừa ra quá trời luôn nhưng chúng ta lại đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Cho nên phải nói là chúng ta có một nền công nghiệp sản xuất dệt may như vậy cũng là một cái đã và đang đáp ứng được yêu cầu cho phục vụ thị trường trong nước, cho người dân trong nước hơn 100 triệu dân này. Chúng ta có thiếu khẩu trang đâu, bây giờ còn thừa rồi thì chúng ta tập trung cho xuất khẩu.
Với những bài học này thì ngành dệt may Việt Nam dự đoán sẽ có những bước chuyển mình như thế nào?
Chủ tịch Vũ Đức Giang: Thứ nhất, mục tiêu của ngành dệt may Việt Nam chúng tôi đặt ra trong năm 2020 là xuất khẩu 40-42 tỷ. Khả năng năm nay sẽ lùi về khoảng 34 tỷ. Chúng ta đưa ra con số khiêm tốn 34 tỷ.
Thứ hai, chúng ta phải xây dựng cho một giải pháp sau dịch Covid-19 này. Tôi cho rằng sức mua của toàn cầu sẽ vào khoảng cuối quý 3 và đầu quý 4 sức mua mới khôi phục nhẹ. Và kể cả đến quý 1, quý 2 của 2021 cũng chưa cao được. Bởi vì sao? Bởi vì thất nghiệp của toàn cầu lớn quá. Mỹ là nước tiêu dùng lớn nhất về dệt may toàn cầu thì do thất nghiệp mấy chục triệu lao động, cho nên bây giờ trợ cấp xã hội của họ thì đủ nuôi sống họ thôi, họ chưa thể nói đến chuyện mua sắm quần áo hay các sản phẩm phụ trợ khác cả, cho nên họ có thể sắm nhưng sức mua sẽ tăng nhẹ.
Thứ ba, chúng tôi xây dựng các giải pháp là sau đại dịch Covid-19 này khi mà toàn cầu kiểm soát được vào năm 2021 thì lúc đấy chúng tôi xây dựng nền tảng về các nguồn nguyên liệu để tạo ra chủ động nguyên liệu trong nước, xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp đủ các tiêu chuẩn về nước thải, môi trường xanh để thu hút dòng đầu tư từ bên ngoài vào phần cung thiếu hụt để tăng tỷ trọng nguyên phụ liệu trong nước, mỗi năm tăng lên một chút để chúng ta chủ động được. Mục tiêu của chúng tôi đến năm 2025 phải tăng lên khoảng 58-60 % và đến năm 2030 phải tăng lên khoảng trên 60%. Đấy là mục tiêu đặt ra. Bởi vì mỗi một nước có thế mạnh.
Trước đây chúng ta chưa bao giờ nghĩ là chúng ta xuất khẩu dệt may vào Trung Quốc đâu, nhưng đến bây giờ thì mấy năm vừa rồi chúng ta xuất khẩu dệt may sang Trung Quốc đấy, xuất khẩu sợi và quần áo đấy, jacket áo sơ mi bây giờ xuất khẩu vào Trung Quốc rồi. Trung Quốc, một nước có công nghiệp dệt may cực kỳ lớn nhưng ngược lại Trung Quốc bây giờ cũng là nước bị áp lực về chi phí nhân công, lao động. Hàng loạt các tỉnh ở sát bờ biển của Trung Quốc hiện nay họ đóng cửa hàng loạt các nhà máy, chuyển đến miền Tây của Trung Quốc hoặc chuyển ra nước ngoài, bởi vì chi phí nhân công quá cao.
Vào thời điểm đến năm 2040 tôi nghĩ dệt may Việt Nam chúng ta không còn có thể xuất khẩu như bây giờ được đâu. Lúc đó chúng ta phát triển hàng loạt ngành công nghiệp công nghệ cao, thì tỷ trọng dệt may sẽ giảm dần đi và dịch chuyển sang nước khác có khả năng cạnh tranh tốt hơn. Cho nên nước ta cần có một chiến lược cho nền công nghiệp để phát triển bền vững trong thời gian tới.
Ông đánh giá thế nào về vai trò của thị trường trong nước đối với ngành dệt may trong giai đoạn vừa qua?
Chủ tịch Vũ Đức Giang: Ở đây có 5 yếu tố về thị trường trong nước.
Tôi phải nói là dịch Covid-19 vừa rồi ảnh hưởng cực kỳ lớn. Việc giãn cách xã hội nên sức mua giảm cực kỳ sâu. Đấy là thứ nhất, chúng ta có bài học về việc đối mặt với áp lực.
Thứ hai, sau đại dịch này thì liên quan đến giải pháp cho ngành công nghiệp dệt may để phục vụ thị trường trong nước. Đó là chủ động nguyên liệu đầu vào và các nhà thiết kế thời trang Việt Nam sau mùa dịch vừa rồi cũng bắt đầu về thay đổi tư duy, phương pháp thiết kế. Nó tạo ra cái thiết kế khác với kiểu thiết kế truyền thống trước đây. Ngay cả cái khẩu trang thôi, chúng ta đã phải chủ động thiết kế cho trẻ em các lứa tuổi khác nhau và design trên khẩu trang đó các họa tiết rất phong phú, đa dạng. Các nhà thiết kế của chúng ta đã bắt kịp xu thế để phục vụ thị trường trong nước.
Thứ ba, thị trường trong nước bây giờ không còn cách sản xuất và kinh doanh như trước đây nữa, mà tiếp cận các ngành công nghiệp thời trang thế giới nhanh hơn, có hệ thống thiết kế 3D đáp ứng nhu cầu rất nhanh. Cách sản xuất của các nhà sản xuất dệt của ta bây giờ cũng thay đổi, chúng ta không còn là vải dệt thoi thuần tuý trước đây nữa mà chúng ta đã dùng công nghệ in rất nhiều màu sắc, nhiều design hoa văn, rất nhiều kiểu dáng khác nhau để phục vụ nhanh cho thị trường, cho cả ngành dệt kim, dệt thoi. Kết cấu của sợi bây giờ khác rồi, có thể xe 4 thành phần sợi vào trong 1 sợi nhỏ, kể cả sợi chỉ thun. Thì tôi cho rằng ngay từ áp lực của thị trường đòi hỏi tạo ra áp lực của các doanh nghiệp phải thay đổi theo xu thế thị trường. Đặc biệt, tư duy của các nhà thiết kế thời trang.
Thứ tư, thị trường trong nước của chúng ta đến bây giờ tôi khẳng định rằng nó sẽ có một bước đột phá sau đại dịch của hết quý III này sang quý IV, xu thế sẽ thay đổi. Chính dịch bệnh cho chúng ta những bài học và cho ta sự thay đổi ở doanh nghiệp dệt may Việt Nam, và nó tạo ra một thị trường phản ứng nhanh, trong đó thị trường bán hàng online, bán hàng trên mạng tỷ trọng quý I vừa rồi tăng rất nhanh. Việc giảm, thậm chí có thời điểm giảm gần 100%, ở các hệ thống cửa hàng truyền thống, nhưng lại tăng đến 60-70% ở hệ thống bán hàng online. Thì bây giờ bắt đầu là phương pháp thay đổi rồi, không còn kiểu truyền thống như trước đây nữa.
Cuối cùng, tôi cho là ở thị trường nội địa chúng ta, điều kiện cần và điều kiện đủ đó là chúng ta phải làm công tác truyền thông tốt hơn nữa. Muốn thúc đẩy thị trường trong nước nhanh thì cần có các cơ chế để thúc đẩy công tác truyền thông.
Tạp chí Công Thương