Báo Scandasia của Bắc Âu dẫn lời ông David Savman, người đứng đầu bộ phận sản xuất của thương hiệu thời trang bình dân H&M, cho biết H&M sẽ giảm hoạt động tại Campuchia nếu Liên minh châu Âu (EU) ngừng Thỏa thuận ưu đãi thuế quan Tất cả hàng hóa trừ vũ khí (EBA) dành cho quốc gia Đông Nam Á này.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters khi tham dự hội nghị về dệt may ở Phnom Penh mới đây, ông David Savman nói rằng với khoảng 50 nhà máy tại Campuchia, H&M có chiến lược rút khỏi địa bàn và khi rời đi, họ không còn trách nhiệm gì đối với lao động địa phương. Hãng đang tính tới các thị trường thay thế, trong đó có Trung Quốc và Indonesia.
Campuchia đang hưởng lợi từ EBA - thỏa thuận đảm bảo miễn thuế đối với 99% hàng hóa của Campuchia xuất sang thị trường EU (đạt giá trị 5,8 tỷ USD năm 2018). Tuy nhiên, EU đang cáo buộc Campuchia vi phạm nhân quyền và đang tính tới khả năng ngừng thỏa thuận ưu đãi này.
EU là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia, chiếm 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này năm 2018. Các nhà máy may mặc của Campuchia hiện sử dụng 700.000 lao động và quần áo chiếm phần lớn lượng hàng hóa xuất khẩu của Campuchia vào thị trường EU.
Ông Ken Loo, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc Campuchia (GMAC), cho biết trong sáu tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Campuchia vào EU giảm khoảng 600 triệu USD so với cùng kỳ năm 2018.
Mặc dù EU mới đang xem xét lại EBA dành cho Campuchia nhưng tác động của việc này đã rất rõ và Campuchia đang đứng trước mối lo mất hàng chục nghìn việc làm ngay trong quý đầu tiên của năm 2020, nếu EU chính thức ngừng EBA cho Campuchia.
Ngành may mặc sử dụng lao động nhiều nhất Campuchia và đạt doanh thu khoảng 7 tỷ USD/năm. Cứ 25 người Campuchia thì có một người làm trong nhà máy sản xuất đồ may mặc và phần lớn là lao động nữ, trẻ tuổi./.