Đó là một trong những bất cập trong quy trình tăng lương của Việt Nam được các chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cùng các chuyên gia kinh tế của Nhật Bản chỉ rõ tại Hội thảo “Tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam” diễn ra sáng 13/9.
Các chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), cùng các chuyên gia kinh tế của Nhật Bản chỉ rõ bất cập về tăng lương tối thiểu ở Việt Nam
Đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho hay, Việt Nam đã chứng kiến mức tăng lương tối thiểu quá nhanh, tốc độ tăng trung bình 2 con số. Trong 10 năm qua (2007-2016), lương tối thiểu tăng ở mức 11-70% mỗi năm (mức tăng khác biệt theo vùng), trung bình đạt xấp xỉ 20%.
Giai đoạn (2007 – 2015), mức tăng lương tối thiểu vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và chỉ số giá tiêu dùng. Đồng thời, tốc độ tăng lương tối thiểu cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Cụ thể, tỷ lệ lương tối thiểu trên năng suất lao động tăng nhanh, từ 25% năm 2007 đạt mức 50% năm 2015. Xu hướng này không giống như các quốc gia khác như Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a hay Thái Lan. Khoảng cách giữa tăng trưởng lương tối thiểu và tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam đã dãn rộng nhanh hơn so với các quốc gia khác.
Theo phân tích của nhóm nghiên cứu, giai đoạn 2007-2015, lương trung bình tại Việt Nam tăng 1,5 lần. Lương trung bình tăng nhanh đến năm 2010 nhưng chậm lại đáng kể trong giai đoạn 2010-2014, phần nào phản ánh sự suy giảm tăng trưởng kinh tế.
Ông Thành cho biết, việc lương tối thiểu tăng cũng dẫn đến các phần chi trả cho các khoản bảo hiểm, bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng theo thời gian.
Năm 2017, chi phí tối thiểu các doanh nghiệp tại Việt Nam phải gánh chịu, được tính bằng tổng lương tối thiểu và đóng góp vào các khoản bảo hiểm (bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) gần chạm mức chi phí tại Thái Lan, và cao hơn mức chi phí tại Indonesia.
Trong trường hợp những lợi ích từ các khoản đóng góp này không được nhìn nhận bởi người lao động, khoản đóng góp bảo hiểm khá lớn ở Việt Nam có thể tạo ra những “khoảng trống thuế” giữa chi phí lao động mà doanh nghiệp phải gánh chịu với khoản thu nhập thực tế của người lao động.
Tăng lương tối thiểu ở Việt Nam được các chuyên gia chỉ rõ đang cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động
Cũng theo nghiên cứu của VEPR, trong giai đoạn 2004-2015, năng suất lao động của Việt Nam tăng đáng kể với mức tăng trung bình đạt 4,4%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân của lương (5,8%) vượt tốc độ tăng năng suất lao động. Theo tính toán từ bộ số liệu Điều tra doanh nghiệp, trong giai đoạn 2004-2009, lương trung bình tăng chậm hơn năng suất lao động. Tuy nhiên từ năm 2009, tốc độ tăng lương trung bình vượt tốc độ tăng năng suất lao động.
"Mức chênh lệch giữa tăng trưởng năng suất lao động với lương tối thiểu và lương trung bình, nếu kéo dài, sẽ từ từ phá vỡ cân bằng trên nhiều khía cạnh của nền kinh tế, đặc biệt là cản trở tích lũy vốn con người, giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế", báo cáo của VEPR nhận định.
Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, Viện VEPR, hiện 50% lao động Việt Nam không được ký kết hợp đồng, số lao động này chủ yếu làm việc tại các hộ kinh doanh gia đình, lao động tự do, lao động làm việc tại các khu vực kinh tế nhỏ và vừa. Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu hiện nay không đảm bảo phân phối công bằng vì số lao động không có hợp đồng không được áp dụng mức lương tối thiểu.
Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Fujita Yasuo cho rằng, tăng lương nhưng năng suất lao động không tăng tương ứng sẽ làm tăng chi phí của các DN, đồng thời giảm khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế. Đại diện JICA khuyến nghị Viêt Nam cần chú ý đến cơ chế tiền lương, điều chỉnh lương tối thiểu cho phù hợp.
Trước thực trạng này, nhiều khuyến nghị chính sách được VEPR đưa ra như: Điều chỉnh mức lương tối thiểu phải phù hợp với tăng trưởng năng suất lao động. Lương tối thiểu không phát huy vai trò hiệu quả nếu được xây dựng như một chính sách bảo trợ xã hội. Vì hệ thống lương tối thiểu hiện nay không bao gồm người lao động không có hợp đồng, cũng như không có nhiều tác dụng đối với các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội, cần có các chính sách bổ trợ khác, thay vì chỉ kỳ vọng ở chính sách lương tối thiểu.
Mức lương tối thiểu hiện đang được tính theo tháng, nên dần chuyển sang hệ thống tính theo giờ. Điều này đảm bảo rằng những người làm việc theo giờ hoặc theo ngày công có thể hưởng đầy đủ các quyền lợi của họ, đồng thời cho phép các nhà tuyển dụng linh hoạt hơn trong việc sử dụng lao động.
Ngoài sự tham gia của ba bên trong Hội đồng tiền lương quốc gia (chính phủ, đại diện của người sử dụng lao động ở trung ương, và đại diện của người lao động ở trung ương), Hội đồng nên có thêm sự tham gia của các chuyên gia, có chuyên môn sâu về kinh tế vĩ mô và kinh tế lao động, có khả năng đánh tác động của mức lương tối thiểu đối với việc làm, thu nhập trước/sau khi điều chỉnh lương tối thiểu.
Ngoài ra, một khuyến nghị chính sách khác được VEPR đưa ra, đó là ước tính tác động của tăng lương tối thiểu cần được thực hiện thường xuyên hơn với số liệu cập nhật, Chính phủ cũng có thể phát triển thêm công cụ để giám sát hiệu quả năng suất trong các ngành và khu vực kinh tế khác nhau.
Nguồn: Infornet