Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm việc với Tổng Công ty May 10

17/09/2019 04:49 CH
“Trong thời gian tới Tổng Công ty May 10 phải là doanh nghiệp mạnh, có năng suất lao động cao, công nghệ đổi mới, nhưng cũng cần phải quan tâm đồng bộ đến đời sống, văn hóa, đào tạo bồi dưỡng cho người lao động” - Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại buổi làm việc với Tổng Công ty May 10 về việc lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) ngày 17/9 tại Hà Nội.


IMG-MD-7389.JPG

 Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung, Trưởng ban soạn thảo làm việc với Tổng công ty May 10 để nghe ý kiến của công nhân và doanh nghiệp góp ý dự thảo luật Lao động sửa đổi

Phát triển doanh nghiệp gắn với nâng cao đời sống của người lao động

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Công ty May 10 cho biết, Tổng Công ty May 10 là đơn vị có bề dày truyền thống lâu đời nhất Việt Nam với trên 70 năm xây dựng và phát triển. Hiện nay, Tổng công ty May 10 đã có 17 xí nghiệp thành viên và liên doanh góp vốn trải dài trên 7 tỉnh thành trên cả nước như: Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh... (trong đó có 10 xí nghiệp thành viên 100% vốn Nhà nước) với nhà xưởng khang trang, máy móc thiết bị hiện đại. Hàng năm May 10 xuất khoảng 30 triệu sản phẩm quy chuẩn như sơ mi, veston, quần âu, jacket…rất được ưa chuộng trên thị trường trong và ngoài nước; tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho trên 12.000 lao động. Thu nhập bình quân của người lao động là 8 triệu/tháng.
PSX-20190917-100900.jpg
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói chuyện với công nhân ngành may
Theo ông Vũ Đức Giang, có 5 yếu tố định hướng của Tổng công ty May 10 thành công trong thời gian qua, đó là: Chuyển dịch cơ cấu đầu tư từ công ty mẹ về các công ty con nhằm duy trì sự ổn định và phát triển; Giữ gìn và phát triển bề dày truyền thống, văn hóa cái nôi của doanh nghiệp nhà nước; Phát triển doanh nghiệp đi đôi với đời sống của người lao động; Là đơn vị tiên phong trong tiếp nhận, đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động, phát triển bền vững cho ngành dệt may, từng bước khẳng định sự gắn kết giữa doanh nghiệp và người lao động; Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, chia sẻ những tâm tư tình cảm của người lao động.
Đề nghị giữ nguyên tiền lương làm thêm giờ như hiện nay
Tham gia ý kiến vào Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), báo cáo với Bộ trưởng và đoàn công tác, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho rằng, nếu điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần có lộ trình về thời gian. Đồng thời quy định cụ thể theo từng nhóm, trong đó có nhóm nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu chung 5 tuổi - vì công nhân may thường bị suy giảm khả năng lao động do tính chất công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại. Nghỉ hưu sớm 5 năm nhưng người lao động vẫn phải được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội ở mức cao nhất. Bên cạnh đó, những lao động có chuyên môn, kỹ thuật cao thì cần được kéo dài tuổi nghỉ hưu.
Ông Thân Đức Việt cho biết đặc thù ngành may làm việc theo mùa vụ, mỗi năm chỉ có 6-8 tháng nhiều việc, còn lại là các tháng ít việc, nên muốn làm nhiều cũng không có việc. Vì thế, theo Tổng công ty May 10, nếu người lao động đồng ý thì cần bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 12 giờ/ngày. Tổng giờ làm việc trong tuần vẫn giữ nguyên ở mức không quá 48 giờ và đợi khi nào kinh tế đất nước tốt hơn thì mới tính đến việc giảm giờ làm việc trong tuần xuống 44 tiếng.
Về thời giờ làm thêm, May 10 kiến nghị tăng trần tối đa thỏa thuận làm thêm giờ trong năm từ 300giờ/năm thêm 100 giờ lên 400 giờ/năm;Tăng trần tối đa thỏa thuận làm thêm giờ trong tháng từ 30 giờ/tháng lên 40 giờ/tháng hoặc bỏ quy định về trần số giờ làm thêm trong tháng và quy định cụ thể các trường hợp được thỏa thuận làm thêm giờ đến 400 giờ/năm.
PSX-20190917-102805_1.jpg
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà cho cán bộ, công nhân Tổng công ty May 10
Liên quan về tiền lương làm thêm giờ, Tổng Công ty May 10 kiến nghị giữ nguyên quy định như hiện nay về tiền lương làm thêm giờ. Làm thêm ngày thường thì hưởng 150% lương, làm thêm ngày thứ bảy, chủ nhật hưởng 200% lương và làm thêm ngày lễ, tết được hưởng 300% lương, ngày nghỉ có hưởng lương. “Mức quy định như hiện tại được coi là hài hòa cho cả doanh nghiệp và người lao động. Quy định cao hơn nữa sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh về chi phí lao động của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực và gây bất lợi cho doanh nghiệp nội” – ông Thân Đức Việt chia sẻ.
Đại diện cho công nhân lao động, bà Trần Quý Dân - Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty May 10 mong muốn Bộ LĐ-TBXH nghiên cứu sâu, lắng nghe ý kiến của lao động các ngành nghề, từ đó đưa ra phương án tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với từng ngành để anh em công nhân phát huy trí tuệ và hoàn thành tốt công việc.
Bà Dân chia sẻ: “Công nhân ngành may tập trung nhiều vào đôi mắt, đến độ tuổi 40-45 thị lực sụt giảm đáng kể. Tôi làm quản lý lao động luôn cố gắng tạo điều kiện cho anh em có tuổi làm các công việc khác. Ngoài lý do sức khỏe không đảm bảo, người lao động không muốn trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp. Những người lao động năng suất kém, tay nghề chậm… công ty vẫn phải bù lương từ 1,5-1,7 triệu/tháng. Nếu cứ đều đều như thế, mỗi năm tiền bù lương 15-18 triệu/người”.
Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là xu hướng tất yếu
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết rất vui khi thấy mô hình, hướng đi của Tổng Công ty May 10 đã "vì người lao động", đời sống người lao động và thu nhập của họ cũng ổn định."Nơi nào lương cao, an sinh phúc lợi thu nhập ổn định, bảo đảm an sinh, từ chăm lo sức khỏe, đầu tư trường học… thì người lao động sẽ gắn bó, không bỏ việc, và tôi thấy sự ổn định, gắn bó của 12.000 người lao động của Tổng Công ty May 10" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Với 5 yếu tố định hướng May 10 đề ra, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Tổng Công ty tiếp tục tổng kết thực tiễn, duy trì những gì đặc trưng của mình tạo ra một Tổng công ty phát triển bền vững trong ngành dệt may.Phấn tới là doanh nghiệp mạnh, năng suất lao động cao, công nghệ đổi mới nhưng phải đồng bộ quan tâm đến đời sống, văn hóa, đào tạo bồi dưỡng cho người lao động.
Về những ý kiến góp ý thực tiễn hoạt động vào Bộ luật Lao động (sửa đổi) của doanh hàng đầu của ngành Dệt may Việt Nam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết tiếp thu, ghi nhận và chọn lọc để tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Bộ luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp ngày 20/9.
Đề cập đến thời giờ làm thêm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, việc làm thêm giờ là cần thiết, là nhu cầu chính đáng của người lao động. Kinh nghiệm cho thấy các nước còn nghèo thì thời gian làm thêm càng nhiều. Do đó, việc cân nhắc thời gian làm thêm như thế nào cho phù hợp để đảm bảo thực hiện mục tiêu vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và phát triển nhưng cũng đồng thời chăm lo tốt hơn cho người lao động.
IMG-MD-7462.JPG
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dùng bữa cơm 15.000 đồng cùng công nhân may
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận, một số ngành nghề áp lực về thời gian làm thêm như: dệt may, thủy sản, linh kiện điện tử, nông nghiệp và trong một số điều kiện cụ thể như hỏa hoạn, thiên tai... cần có sự điều chỉnh. Trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ linh hoạt vấn đề này.
Về lao động nữ, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, xu hướng chung của thế giới là tạo điều kiện theo hướng phát triển quyền lựa chọn của phụ nữ, trên cơ sở đảm bảo vai trò của người phụ nữ được lựa chọn một cách phù hợp.
“Thực tế, có những trường hợp vướng mắc,nhưng không phải là phổ biến. Đối với phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ chúng ta xử lý trên cơ sở nhân văn và theo Công ước quốc tế. Bởi chúng ta có những Công ước, quy định không được vi phạm quyền của phụ nữ, quyền trẻ em” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, có những điều của Bộ luật Lao động còn liên quan đến nhiều luật khác về hình sự, bình đẳng giới, công đoàn... nên Ban soạn thảo sẽ tính toán, cân nhắc để phù hợp với các điều luật khác.
“Vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, là xu hướng tất yếu và Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng này. Phải có tầm nhìn xa, quyết định mau lẹ, vì lợi ích phát triển ổn định, lâu dài của đất nước. Nếu chúng ta không làm bây giờ, thì con cháu chúng ta sẽ phải gánh hậu quả sau này…”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng nêu rõ, chỉ những người lao động bình thường mới đủ điều kiện tăng dần tuổi nghỉ hưu; còn trường hợp suy giảm sức khoẻ, giảm khả năng lao động, người làm việc nặng nhọc, độc hại, công việc đặc biệt... thì tuổi nghỉ hưu có thể giảm 5 năm.
Bên cạnh việc tìm hiểu ý kiến của người lao động về các nội dung của dự thảo sửa đổi Luật Lao động 2012, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng đoàn công tác đã cùng công nhân may dự bữa ăn ca 15.000 đồng.

Được biết, Tổng Công ty May 10 thực hiện việc đãi ngộ miễn phí bữa ăn cho công nhân từ nhiều năm nay. Bữa ăn dù giá tiền thấp nhưng đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho người lao động phục vụ sản xuất.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội 
» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.086.900
Khách
: 657
 
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm việc với Tổng Công ty May 10 Rating: 5 out of 10 87938.
Core Version: 1.8.0.0