Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Năm, 28/03/2024

Đăng ký nhận tin

2017 - Vững vàng trong thách thức

16/02/2017 04:33 CH

Năm 2017 sẽ là một năm đầy thách thức với ngành Dệt May Việt Nam (DMVN) nói chung và Tập đoàn DMVN nói riêng. Tuy nhiên, với những nỗ lực và kết quả đạt được trong những năm qua, cùng chiến lược phát triển toàn diện, tầm nhìn thấu suốt, toàn thể CBCNVC và người lao động trong Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) vẫn vững tin vào sự phát triển bền vững của Ngành và Tập đoàn, tiếp tục tiến bước thực hiện kế hoạch đề ra, để giữ vững là ngành xuất khẩu mũi nhọn của đất nước, góp phần ổn định an sinh xã hội.
 

Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường

Nhìn lại năm 2016

2016 là một năm có nhiều diễn biến hết sức đặc biệt với nền chính trị - kinh tế thế giới. Kinh tế thế giới đã không tăng trưởng như các dự báo đầu năm, với tổng GDP toàn cầu chỉ tăng 2,2%, so với dự báo 2,8 - 3%, đặc biệt là tổng giao dịch thương mại thế giới 2016 chỉ tăng 1,7% so với dự báo là 2,8%. Giao dịch thương mại toàn cầu diễn ra ảm đạm trong suốt năm. Hai sự kiện chính trị lớn diễn ra trong năm là sự kiện nước Anh rời EU (Brexit) và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với việc trúng cử của ứng cử viên Donal Trump cùng nhiều thông báo đường hướng chính sách thương mại của nước Mỹ đã cho thấy một xu thế bảo hộ kinh tế, hạn chế thương mại tự do bắt đầu lan rộng trên phạm vi toàn cầu.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do chưa thưc sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhưng ngành Dệt May Việt Nam mà nòng cốt là Vinatex đã triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý nhằm giữ vững thị trường truyền thống, phát triển thêm thị trường mới; mạnh dạn áp dụng những giải pháp quản lý tiên tiến để tăng nhanh hiệu quả SXKD và rút ngắn thời gian giao hàng… Tuy chưa đạt được kết quả như mong muốn, nhưng toàn Ngành vẫn xuất khẩu ước đạt 28,3 tỷ USD tăng trưởng ~5% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang các nước TPP, với hai thị trường quan trọng là Mỹ và Nhật Bản, chiếm khoảng 15 tỷ USD, tương đương 53,5 % tổng lượng xuất khẩu của DMVN. Kết quả đạt được của ngành Dệt May Việt Nam 2016 được cộng đồng thế giới đánh giá cao do bối cảnh các nước nhập khẩu hàng hóa dệt may đều giảm mức nhập khẩu, cụ thể Mỹ giảm 4,52%, Nhật giảm trên 1%, Hàn Quốc giảm 4%, chỉ có Liên minh châu Âu EU là có tăng trưởng 5%. Trong 7 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới thì 4 nước giảm mạnh xuất khẩu đó là Trung Quốc giảm 4,5%, Ấn Độ giảm trên 4%, Indonesia giảm 5,4%, Pakistan giảm trên 4%, Thổ Nhĩ Kỳ không tăng, chỉ có Bangladesh tăng kim ngạch được 4,9% và Việt Nam với kim ngạch tăng trên 5% là nước có tốc độ tăng cao nhất trong top 5 các nước xuất khẩu, thị phần ở tất cả các thị trường tiếp tục được cải thiện.

Với diễn biến bất lợi của hiệp định TPP, dòng dịch chuyển giao dịch mua bán và đầu tư trong ngành dệt may thế giới vào Việt nam đã có dấu hiệu chậm lại. Từ quý 3-2016, đơn hàng đã trở nên khó tiếp cận hơn, thực sự đã diễn ra cuộc cạnh tranh gay gắt trong nửa sau 2016 để giữ khách hàng, thị phần trong các doanh nghiệp. Đặc biệt là quá trình cạnh tranh này lại diễn ra trong bối cảnh thị trường không tăng trưởng, các quốc gia cạnh tranh đều phá giá đồng tiền ở quy mô lớn như Trung quốc ~10% từ 8/2015 - 11/2016, Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh đều phá giá trên 10% trong khi VND ổn định không tăng trong suốt 11 tháng năm 2016 làm cho xu thế giá hàng hóa từ Việt Nam đắt lên tương đối. Cùng với đó là xu thế gia tăng chi phí nhân công vẫn là áp lực thường xuyên với Ngành.

Thị trường nội địa 2016 cũng cho thấy một sức mua không mạnh, kinh doanh nội địa ngày càng gặp nhiều cạnh tranh gay gắt. Ở khu vực nông thôn là cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu tiểu ngạch, hàng hóa không rõ nguồn gốc, ở các đô thị là cạnh tranh với hàng hóa ASEAN, với việc nhiều chuỗi siêu thị lớn trong nước đã được các nhà đầu tư Thái Lan mua lại. Mặt khác, một dữ liệu rất quan trọng là thị trường nội địa Việt Nam chỉ có quy mô 4,5 tỷ USD, trong khi năng lực sản xuất của ngành Dệt May Việt Nam đã lên tới trên 35 tỷ USD. Nó có vị trí hoàn toàn khác so với các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn như Trung Quốc có thị trường nội địa 260 tỷ USD tương đương thị trường xuất khẩu, Ấn Độ có thị trường nội địa gấp 3 lần xuất khẩu, Indonesia nội địa gấp 2 lần xuất khẩu. Do vậy khi xuất khẩu khó khăn họ có thể chuyển hướng khai thác thị trường nội địa. Đối với Việt Nam thị trường nội địa với quy mô 12% năng lực sản xuất hàng dệt may cả nước không đủ sức để làm nhiệm vụ điều hòa đó.

Thành tựu đạt được trong năm 2016 là không nhỏ, là sự tận tâm tận lực của toàn ngành Dệt May Việt Nam. Tuy nhiên, những áp lực thị trường vẫn còn tiếp tục diễn biến sang 2017 với nhiều biến thể mới, phức tạp hơn.

Nhận diện 2017

Năm 2017 sẽ tiếp tục là năm khó dự báo của thị trường Dệt May thế giới cũng như thị trường Dệt May Việt Nam. Theo tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD, GDP toàn cầu năm 2017 chỉ đạt 3,2%, tăng trưởng nhẹ so với năm 2016. Nhìn chung, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, nền kinh tế thế giới trong năm 2017 sẽ vẫn dậm chân tại chỗ với bẫy tăng trưởng thấp khi thương mại, đầu tư, năng suất và vẫn ở mức thấp. Tăng trưởng thương mại toàn cầu chậm, có thể coi là chỉ dấu cho sức khỏe các ngành sản xuất trên toàn cầu sẽ gặp khó khăn trong một vài năm tới đây. Đặc biệt là các chính sách theo xu thế chủ nghĩa bảo hộ có thể từng bước được áp dụng, ảnh hưởng riêng đến các nỗ lực xuất khẩu của Việt Nam chưa thể đánh giá được. Xu thế có nhiều rào cản mới được dựng lên bao gồm cả thuế quan và phi thuế quan có thể sẽ diễn ra trong 2017.

Trong nước, dự báo kinh tế sẽ tiếp tục cải thiện về tăng trưởng, tuy nhiên như trên đã phân tích, quy mô thị trường nội địa không đủ là nơi điều hòa tốc độ tăng trưởng cần có của ngành dệt may. Với nhu cầu tăng trưởng cần từ 2,5- 3 tỷ USD mỗi năm, 80-85% lượng tăng trưởng này cần trông chờ vào xuất khẩu. Tiền lương tối thiểu tiếp tục tăng, cũng sẽ là áp lực lên doanh nghiệp trong 2017

Với 2 hiệp định quan trọng là TPP, hiệp định EVFTA chưa thể có hiệu lực, sớm nhất EVFTA có hiệu lực vào năm 2018 với một số dòng thuế được xóa bỏ hoàn toàn, còn phần lớn sẽ phải theo lộ trình 3-7 năm, vì vậy Hiệp định này sẽ chưa có tác động lớn đến doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong năm 2017. Xuất khẩu Dệt May của Việt Nam sang thị trường EU sẽ khó có đột biến trong năm 2017. Hiệp định với Liên minh kinh tế Á Âu đã có hiệu lực nhưng thị phần của Việt Nam còn quá nhỏ bé (120 triệu USD trên tổng lượng tiêu dùng khoảng 13 tỷ USD của toàn liên minh) đòi hỏi phài có những nỗ lực vượt bậc để thâm nhập thị trường và từng bước nâng cao thị phần. Bên cạnh đó, các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu dệt may thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Indonesia, các quốc gia mới nổi như Cambodia, Myanma sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dệt may của họ như đã làm trong năm 2016, đặc biệt là chính sách phá giá đồng nội tệ để đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút khách hàng sẽ gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp dệt may của Việt Nam trong việc cạnh tranh đơn hàng.

Giải pháp cho 2017

Về thị trường, tiếp tục củng cố và đẩy mạnh khai thác vị thế là nước có thị phần lớn thứ 2 ở Mỹ và Nhật Bản. Duy trì tốc độ tăng trưởng trên 6% cho 2 thị trường này là giải pháp chính cho việc hoàn thành mục tiêu 2017. Trong đó, tập trung cải thiện tổng thời gian sản xuất, giao hàng từ Việt Nam. Cùng với sự cải thiện chung trên cả nước về các dịch vụ vận tải, thuế, hải quan mà Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đang tích cực triển khai sẽ giảm mạnh thời gian và chi phí giao hàng từ Việt Nam. Tập trung nâng cấp các giao dịch lên thị trường cấp 1, tức là quan hệ trực tiếp với nhà phân phối tại các thị trường trọng điểm, giảm khâu trung gian, nâng cao hiệu quả, cũng như tiết giảm chi phí cho cả người bán và người mua. Nghiên cứu tổng thể giải pháp tiếp cận và nâng cao thị phần tại Liên minh kinh tế Á - Âu, phấn đấu đến 2020 có trên 10% thị phần tại thị trường này. Tiếp cận thị trường ngách với các đặc tính thời trang cao không chỉ trong trang phục mà cả các sản phẩm gia dụng, đề cao tính chất thân thiện môi trường, an toàn, tiết kiệm năng lượng cho các sản phẩm dệt may.

Về phát triển chuỗi cung ứng và năng lực sản xuất, rõ ràng việc tiếp tục đẩy mạnh liên kết giữa các cơ sở sản xuất trong ngành tạo thành chuỗi liên kết hoàn chỉnh, ít nhất là tử vải đến may mặc thỏa mãn yêu cầu của hiệp định thương mại tự do với châu Âu - EVFTA là giải pháp cần triển khai để chuẩn bị cho 2018, đồng thời cũng là tự nâng cấp vị trí trong chuỗi giá trị hướng tới một vị trí bền vững hơn, sẵn sàng thỏa mãn các biến thể mới của các hiệp định đa phương và song phương kể cả TPP nếu có. Trong điều kiện thị trường chưa thật sự sáng sủa, việc củng cố khai thác tối đa năng lực sản xuất đang có, đạt tăng trưởng không dựa vào đầu tư mở rộng là con đường phù hợp nhất. Đẩy mạnh việc áp dụng tự động hóa, sử dụng thiết bị tự động thay thế các thiết bị dùng nhiều lao động để giảm chi phí lao động trên 1 đơn vị sản phẩm đang ngày càng tăng cao. Tập trung sản xuất theo hướng, giảm hao phí lao động, giảm tiêu thụ năng lượng, sản xuất xanh, sản xuất an toàn, nâng cao tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo. Hướng tới xây dựng một tập đoàn sản xuất dệt may phù hợp với làn sóng công nghệ thứ 4, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững

Về phát triển các nguồn lực, nhân lực cần tiếp tục được tập trung xây dựng. Đề cao tính sáng tạo trong công việc, dám chấp nhận thay đổi phương thức làm việc để tạo kết quả mới. Sự sáng tạo phải được đưa lên tiêu chí hàng đầu trong công việc của từng nhân sự Vinatex.

Khai thác nguồn lực tài chính đa dạng trên thị trường chứng khoán sau khi cổ phiếu vinatex đã chính thức được niêm yết tháng 1-2017. Tận dụng nguồn lực dồi dào của thị trường và các nhà đầu tư để phát triển cả những khu vực dài hạn như nghiên cứu phát triển, tạo mẫu thời trang và thương hiệu, chăm sóc sức khỏe và điều kiện làm việc cho người lao động.

Thông qua niêm yết, minh bạch hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản trị. Cùng với dự án tư vấn đổi mới mô hình quản trị tập đoàn do ADB tài trợ và Công ty E & Y tư vấn xây dựng chiến lược phát triển dài hạn trong giai đoạn mới, bao gồm cả việc lựa chọn được những nhà đầu tư đồng hành có vai trò hỗ trợ nâng cấp đạt chuẩn mực quốc tế và khu vực cho hoạt động của tập đoàn.

Năm 2017 với mục tiêu đạt được tăng trưởng trên 6% trong điều kiện thị trường tiếp tục cạnh tranh gay gắt là thử thách với toàn thể ngành Dệt May Việt Nam và Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Kiên trì giải pháp xây dựng đội ngũ những con người hiểu nghề sâu sắc, yêu nghề, dám chịu trách nhiệm, sáng tạo, chấp nhận rủi ro có cân nhắc sẽ là chìa khóa cho việc thực hiện thành công những nhiệm vụ đã đặt ra cả trong 2017 và những năm tiếp theo.

Theo Vinatex 

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.086.146
Khách
: 1.129
 
2017 - Vững vàng trong thách thức Rating: 5 out of 10 63954.
Core Version: 1.8.0.0