Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

Tăng lương, giảm giờ làm và sức mạnh quốc gia

16/09/2019 09:52 SA
"Tăng lương, giảm giờ làm: trong bối cảnh hiện nay chỉ làm làm giảm đi đáng kể sức cạnh tranh về nguồn lực lao động của Việt Nam với các nước khác mà thôi.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với một nhà đầu tư nước ngoài, tôi hỏi điều gì là thế mạnh nhất của Việt Nam để ông sang đây đầu tư. Câu trả lời, như thông lệ, là giá nhân công rẻ. Tuy nhiên, nhà đầu tư đó nói thêm: “Nhưng nói thật, lao động ở đây chăm chỉ nhưng năng suất lại thấp và có ý thức kỷ luật không tốt”.

Ông kể: “Có những công việc chân tay phải 4 người mới làm được ngang với một lao động nước ngoài. Đây là điểm rất bất lợi”.

Nghe vậy, tôi không khỏi tự ái và chạnh lòng. Bao nhiêu năm nay, từ khi thu hút được những dòng vốn  FDI đầu tiên những năm 90 của thế kỷ trước, chúng ta vẫn chỉ được coi là có lợi thế về lao động giá rẻ mà năng suất lao động không cao.

Quá trình phi nông nghiệp hóa trong vài chục năm nay đã đưa hàng chục triệu người trở thành công nhân, song kỹ năng lao động lại chưa được chuẩn bị kỹ càng.

Tăng lương, giảm giờ làm và sức mạnh quốc gia
Năng suất lao động của Việt Nam còn rất thấp.

Theo một báo cáo của Bộ Lao động, thương binh và xã hội, gần 80% số người làm việc trong các doanh nghiệp FDI là lao động không có bằng cấp/chứng chỉ đào tạo và tỷ lệ này gần như không thay đổi trong cả chục năm nay.

Theo kết quả khảo sát của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, 2/3 số doanh nghiệp cho biết phần lớn người lao động thiếu hụt kỹ năng về chuyên môn và các kỹ năng nòng cốt khác. Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy 55% doanh nghiệp Việt Nam khẳng định khó tìm kiếm nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của họ và 69% doanh nghiệp FDI cho rằng họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng được cán bộ kỹ thuật có tay nghề để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh  của mình.

Đâu là nguồn gốc của tình trạng này? Có người đổ lỗi là trong một thời gian dài, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn ưu tiên thực hiện các hoạt động gia công để khai thác lợi thế lao động giá rẻ của nước ta. Thực tế này đã góp phần làm chậm quá trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam.

Một khi các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động trình độ thấp thì điều này không khuyến khích người lao động quan tâm học tập nâng cao trình độ và các cơ sở giáo dục đào tạo không chịu sức ép của thị trường để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo.

Về phần mình, theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ vào nước ta chỉ đạt mức trung bình hoặc trung bình tiên tiến so với các nước trong khu vực, phần lớn chưa được xếp vào hàng công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Hiện tại chúng ta vẫn là một nước có trình độ công nghệ hết sức khiêm tốn trong bảng xếp hạng thế giới, Việt Nam vẫn đứng trong hàng ngũ những nước có nền công nghiệp trung bình, năng lực công nghệ chưa đáp ứng được nhu cầu CNH-HĐH.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, phần lớn các hợp đồng chuyển giao công nghệ được đăng ký tại cơ quan quản lý về khoa học và công nghệ tập trung vào chuyển giao quy trình công nghệ, bí quyết công nghệ (73%), trợ giúp kỹ thuật (77%), đào tạo (71%), trong khi đó chuyển giao công nghệ bao gồm đối tượng sở hữu công nghiệp chiếm số lượng không nhiều (13%).

Media player poster frame

Đây là thực tế đáng buồn không thể phủ nhận trên đưa đến hệ lụy là năng suất lao động của chúng ta ở hạng bét trong khu vực. Tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2018 chỉ bằng 7,3% so với của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; gần 45% của Indonesia, và gần 56% của Philippines.

Đến nay, năng suất lao động của Việt Nam mới đạt 11.142 USD. Chênh lệch năng suất lao động (tính theo PPP 2011) của Singapore và Việt Nam tăng từ 132.566 USD năm 2011 lên 141.276 USD năm 2018; tương tự, của Malaysia từ 42.397 USD lên 47.545 USD; Thái Lan từ 14.985 USD lên 18.973 USD. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của nước.

Chúng ta còn nghèo, năng suất lao động còn thấp thì chúng ta cần phải chăm chỉ làm việc hơn, và cần cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa để doanh nghiệp có thể an tâm đầu tư các máy móc thiết bị hiện đại. Song, có điều đáng ngạc nhiên là chúng ta lại muốn tăng lương, giảm giờ làm.

Cụ thể nhất là có nhiều đề xuất giảm giờ làm việc từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần trong dự thảo Luật Lao động sửa đổi tới đây. Đây là vấn đề rất lớn đối với các doanh nghiệp cũng như người lao động.

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, chỉ riêng với 56 doanh nghiệp Nhật Bản trong đó bao gồm một số công ty lớn như Canon, Panasonic, Toyota, Denso,…với 324,000 lao động như hiện tại, nếu cắt giảm thời giờ làm việc từ 48 giờ xuống còn 44 giờ thì cần tuyển thêm khoảng 30,000 lao động nữa mới đủ đáp ứng cùng một khối lượng sản xuất trong năm nay.

Đây chỉ là con số thống kê của 56/1500 doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam, chưa kể còn rất nhiều doanh nghiệp và các Hiệp hội khác, sẽ là một con số khổng lồ đối với số lao động cần tuyển thêm. Đó là chưa nói đến, tình hình tuyển dụng lao động hiện tại ở Việt Nam đang vô cùng khó khăn như và chắc chắn không thể tuyển dụng được số lượng lao động đó.

Hiệp hội này và nhiều hiệp hội doanh nghiệp khác đang kiến nghị giữ nguyên số giờ làm việc tiêu chuẩn như hiện nay là 48 giờ/tuần.

Ở bình diện quốc tế, một số nước như Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Philippines, Lào,…đều đang áp dụng khung làm việc là 48 giờ/ tuần. Đây là các quốc gia đang cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam.

“Tăng lương, giảm giờ làm!”, “Tăng lương, giảm giờ làm!” - cái điệp khúc đó tự nhiên cứ đeo bám tôi mãi khi nghe đại diện của một doanh nghiệp nói trong một hội thảo gần đây. Giọng của ông cứ kéo dài ra, không hẳn như mếu, không hẳn trì triết khi nói mâu thuẫn giữa chủ lao động và người lao động trong tương quan đến thời gian làm việc. Ông nói: “Vì sao lại nghĩ cứ là chủ doanh nghiệp chúng tôi bóc lột người lao động để đòi tăng lương, giảm giờ làm?”

Riêng tôi cứ nghĩ mãi, chúng ta đang thời kỳ dân số vàng, đất nước còn nghèo sao chúng ta không làm ăn chăm chỉ hơn nữa nếu muốn tiến lên thịnh vượng, đuổi kịp các quốc gia khác. Những nước phát triển như Nhật Bản, người lao động về hưu ở tuổi 65 vẫn còn phải làm việc tiếp 5 năm nữa mới được hưởng lương hưu. Còn nếu muốn tăng lương, giảm giờ làm trong bối cảnh hiện nay chỉ làm làm giảm đi đáng kể sức cạnh tranh về nguồn lực lao động của Việt Nam với các nước khác.

Nguồn: Tư Giang - Vienamnet

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.087.299
Khách
: 1.067
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0