Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

Sửa Luật Lao động: Doanh nghiệp mong được “bình đẳng” với người lao động

09/08/2019 09:10 SA
Nhằm thu thập những quan điểm, ý kiến của doanh nghiệp về Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, ngày 8/8, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo góp ý sửa đổi dự thảo Bộ Luật Lao động từ doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, về cơ bản, cộng đồng doanh nghiệp nhất trí cao với những điều luật mới trong Bộ luật Lao động sửa đổi, tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp cũng có nhiều kiến nghị, đề xuất bổ sung về nhiều lĩnh vực được Bộ luật Lao động đề cập như: Giờ làm thêm, tiền lương đối với giờ làm thêm, quan hệ lao động...

“Nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm nay không thể đạt bằng năm ngoái và đang có chiều hướng giảm thấp, 6 tháng đầu năm chúng ta đã thấy được những dấu hiệu chậm lại của nền kinh tế Việt Nam. Trong giai đoạn khó khăn này, với dự thảo luật vẫn như trên thì các chi phí đều tăng lên, điều này sẽ làm doanh nghiệp khó duy trì sản xuất, đẩy doanh nghiệp vào thế khó khăn”, ông Lộc nhấn mạnh.

Cũng tại hội thảo, đại diện của nhiều hiệp hội doanh nghiệp như Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam… góp ý về nhiều vấn đề trong đó có việc mở rộng tối đa khung giờ làm thêm. Sau khi tiếp thu ý kiến góp ý, dự thảo hiện nay đang quy định trần làm thêm giờ theo tháng, với mức 40 giờ/tháng nhằm bảo vệ sức khỏe nghề nghiệp cho người lao động, tạo điều kiện linh hoạt hơn cho người sử dụng lao động, phù hợp với kinh nghiệm quốc tế và quy định về thời gian làm việc trong các bộ quy tắc ứng xử (CoC) của các nhãn hàng.

Cho ý kiến về vấn đề này, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may cho rằng, với quy định tính lũy tiến tiền lương làm thêm giờ như trong dự thảo đang đề xuất doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đẩy chi phí nhân công của doanh nghiệp lên cao khiến giá thành sản phẩm tăng vọt. Chính vì vậy, ông đề xuất giữ nguyên quy định về tiền lương làm thêm giờ như hiện nay. Nếu tính lũy tiến tiền lương làm thêm giờ, với thực trạng hơn 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì đối tượng này sẽ bị tác động nhiều nhất, làm cho năng lực và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước giảm mạnh. Đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như ngành dệt may, da giày, điện tử sẽ bị tác động nhiều nhất.

Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may đồng ý với phương án mở rộng giờ làm thêm lên đến 400 giờ/năm đối với những trường hợp đặc biệt nhưng kiến nghị không quy định mức trần làm thêm giờ theo tháng mà để linh hoạt cho doanh nghiệp tự thực hiện tùy theo phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp đề xuất giữ nguyên quy định về tiền lương làm thêm giờ như hiện nay. Ảnh: Bùi Nụ.

Doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất

Một vấn đề nữa cũng được các doanh nghiệp hết sức quan tâm đó là quy định về thời giờ làm việc bình thường. Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần May Hưng Yên phân tích, việc giảm giờ làm từ 48 giờ xuống còn 44 giờ/tuần chỉ nên áp dụng cho những nước có năng suất lao động cao, thu nhập cao có xu hướng giảm giờ làm, các nước có năng suất lao động thấp như Việt Nam thường có số giờ làm việc cao hơn. Hiện nay, năng suất và thu nhập của người lao động Việt Nam chưa cao nên việc giảm giờ làm là chưa phù hợp, khiến doanh nghiệp phải tăng thêm chi phí trả tiền làm thêm giờ cho lao động. Đây là gánh nặng chi phí rất lớn cho các doanh nghiệp nội.

Cho ý kiến đánh giá về dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân nhấn mạnh, doanh nghiệp là đối tượng bị tác động nhiều nhất trong lần sửa luật này cả về chi phí và trách nhiệm xã hội. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần được xem xét đến nhiều hơn trong dự thảo, theo đó cần đưa thêm một điều trong dự thảo luật về giới chủ sử dụng lao động.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật bản tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, trong dự thảo sửa đổi, người lao động là đối tượng yếu thế và cần được bảo vệ, ưu ái hơn, còn doanh nghiệp phải đối mặt với việc tăng chi phí, gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên theo đại diện Doanh nghiệp Nhật bản tại Việt Nam, hiện nay người lao động không phải là đối tượng yếu thế nữa bởi rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang phải tăng thêm chi phí cho việc tuyển dụng lao động và tăng thêm rất nhiều ưu đãi cho người lao động để giữ chân người lao động.

Chính vì vậy, đại diện Hiệp hội mong muốn Ban soạn thảo tiếp thu thêm các ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp để có cái nhìn đa chiều hơn nữa nhằm tạo sự bình đằng giữa doanh nghiệp và người lao động. Bởi doanh nghiệp có mạnh, có phát triển thì người lao động mới có lương, có cuộc sống tốt.

Theo đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dự kiến, từ nay đến khi trình Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục tổ chức tham vấn đông đảo các đối tượng, tạo sự đồng thuận của xã hội với những nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Bộ luật.

Nguồn: https://thuvienphapluat.vn

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.086.465
Khách
: 211
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0