Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Tư, 17/04/2024

Đăng ký nhận tin

Số giờ làm việc, giờ làm thêm của người lao động, bao nhiêu là phù hợp?

20/08/2019 01:10 CH
Tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang có nhiều ý kiến khác nhau, nhất là về vấn đề số giờ làm việc. Phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Minh Huân (ảnh), nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc số giờ làm việc, số giờ làm thêm và cách tính thù lao giờ làm thêm với người lao động như thế nào cho phù hợp với điều kiện nền kinh tế, xã hội nước ta.

Thưa ông, hiện đại diện của một số hiệp hội doanh nghiệp đã có ý kiến đồng ý với phương án nâng mức làm thêm giờ lên 400 giờ/năm đối với những trường hợp đặc biệt, tuy nhiên lại không đồng ý với phương án để mức trần làm thêm giờ là 40 giờ/tháng vì điều này còn phụ thuộc vào đơn hàng cũng như kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Câu chuyện làm thêm giờ từ lâu đã luôn có những ý kiến khác nhau. Một số doanh nghiệp mong muốn có số giờ làm thêm nhiều hơn nhưng ở một số nước lại có sự khống chế. Hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang làm theo đơn đặt hàng xuất khẩu, có sự yêu cầu về mặt thời gian nên sẽ có những khoảng thời gian là điểm “căng” trong sản xuất, buộc những doanh nghiệp này phải tổ chức làm thêm giờ cho đạt tiến độ. Có nhiều ý kiến cho rằng tại sao doanh nghiệp không tuyển dụng thêm lao động để đạt được tiến độ sản xuất mà phải tổ chức làm thêm giờ, nhưng khi doanh nghiệp làm gia công, làm theo đơn đặt hàng thì doanh nghiệp rất khó chủ động được và bản thân doanh nghiệp khi tổ chức làm thêm giờ cũng phải có sự bù đắp lại cho người lao động.

Theo tôi, trong dự thảo luật lần này quy định tối đa là 400 giờ/năm (đối với những trường hợp đặc biệt) là đã tính đến sức khỏe của người lao động đồng thời đáp ứng được một phần nhu cầu của doanh nghiệp. Việc tăng số giờ làm thêm lên 400 giờ/năm với điều kiện là có nhu cầu kinh doanh chính đáng như các ngành nghề phục vụ xuất khẩu, phục vụ đơn hàng… và được sự đồng ý của người lao động đối với công việc làm thêm giờ.

Về quy định mức trần làm thêm giờ theo tháng hiện nay theo tôi thấy đang tồn tại một vấn đề là sẽ có những tháng doanh nghiệp có nhu cầu làm thêm giờ nhiều vì đúng vào thời điểm “căng” trong sản xuất mức trần 40 giờ/tháng là không đủ, nhưng có những tháng doanh nghiệp lại không có nhu cầu tổ chức làm thêm giờ thì mức trần này lại thừa, điều này đang tồn tại với các doanh nghiệp sản xuất có tính thời vụ, thâm dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, thủy sản… Chính vì vậy, theo tôi mức trần này nên để linh hoạt, bỏ quy định theo tháng để các doanh nghiệp tự sắp xếp tùy theo điều kiện sản xuất của doanh nghiệp.

Liên quan đến cách tính tiền làm thêm giờ, hiện đang có ý kiến tính theo lương lũy tiến. Điều này liệu có phù hợp và nằm trong sự chi trả của doanh nghiệp không, thưa ông?

Về nguyên tắc thì điều này đúng nhưng hiện nay phải nhìn vào quy định của chúng ta là nếu làm thêm giờ vào ngày thường thì trả 150%, nếu làm vào ngày nghỉ (thứ Bảy, Chủ nhật) là 200% và ngày lễ, Tết là 300% chưa kể tiền lương như vậy vào những ngày lễ, Tết nếu làm thêm giờ người lao động sẽ được trả lên đến 400%. Đây đã là một mức chi trả khá cao cho người lao động của doanh nghiệp, nếu như còn thực hiện trả theo lũy tiến nữa thì chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng lên rất nhiều.

Bản chất của làm thêm giờ là bù đắp năng suất lao động chưa cân bằng, nếu vừa tăng làm thêm giờ vừa tăng lũy tiến về tiền lương tức chi phí lao động, thì tất cả các chi phí vào đều tăng. Đồng thời, nếu trả tiền lương làm thêm giờ quá cao sẽ khiến bản thân người lao động vì muốn có thu nhập tốt hơn sẽ làm thêm giờ nhiều hơn, trái với mục đích bảo vệ sức khỏe của người lao động.

Vì vậy, việc trả theo lũy tiến sẽ cần cân nhắc rất kĩ. Đối với những doanh nghiệp lớn hiện nay, với máy móc, công nghệ hiện đại thì các doanh nghiệp này sẽ ít phải tổ chức làm thêm giờ và bản thân các doanh nghiệp cũng cố hạn chế làm thêm giờ bởi làm thêm giờ sẽ khiến chi phí của doanh nghiệp tăng lên rất nhiều. Thế nên việc tính tiền làm thêm lũy tiến phần lớn sẽ tác động đến những doanh nghiệp nhỏ và vừa – những doanh nghiệp còn đang rất dễ “đổ vỡ”.

Vậy theo ông cần làm gì để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động trong cách tính tiền lương làm thêm giờ?

Đây chính là một vấn đề khó và đang đặt ra sức ép cho ban soạn thảo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) khi phải nhìn từ hai phía, một mặt vừa phải bảo vệ quyền lợi cho người lao động, mặt khác lại phải bảo đảm lợi ích cho doanh nghiệp để làm sao doanh nghiệp tồn tại và phát triển được trong môi trường cạnh tranh hiện nay. Quan điểm của tôi là nếu đã mở thời gian làm thêm giờ ra tối đa 400 giờ/năm với những trường hợp đặc biệt thì nên giữ nguyên cách tính tiền làm thêm giờ như hiện nay là đã tương đối phù hợp.

Một vấn đề nữa cũng đang nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ phía doanh nghiệp quan tâm đó là đề xuất giảm thời giờ làm việc xuống 44 giờ/tuần, giữ nguyên số giờ làm việc tiêu chuẩn như hiện nay là 48 giờ/tuần. Theo ông đề xuất này liệu có phù hợp?

Bộ luật Lao động hiện hành quy định thời giờ làm việc tối đa không quá 48 giờ/tuần và khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ. Với các nước có năng suất lao động cao thì việc giảm giờ làm là tất yếu nhưng đối với những nước có năng suất lao động thấp như Việt Nam, đứng cuối bảng Đông Nam Á, cùng với công nghệ còn lạc hậu thì việc vừa khống chế giờ làm thêm, vừa khống chế giờ làm việc tối đa trong tuần doanh nghiệp sẽ sống và tồn tại thế nào? Trong bối cảnh nền kinh tế mở, doanh nghiệp phải chịu quá nhiều áp lực cạnh tranh, người lao động năng suất thấp, công nghệ lạc hậu thì cuối cùng chỉ có bóp lại doanh nghiệp, đẩy doanh nghiệp đi vào con đường dần dần thu hẹp sản xuất.

Nhìn ra các nước cùng trong khu vực chúng ta phải đặt ra câu hỏi tại sao họ lại không khống chế giờ làm trong tuần. Nếu chúng ta giảm giờ làm từ 48 giờ xuống còn 44 hay 40 giờ thì hệ quả tất yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với nguồn vốn dồi dào và công nghệ tân tiến sẽ vẫn tiếp tục có khả năng tồn tại còn các doanh nghiệp nội thì sẽ càng ngày càng thu hẹp lại. Do vậy, theo tôi vẫn nên để nguyên ở mức 48 giờ/tuần như hiện nay.

Nguồn: Hải quan online

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.107.658
Khách
: 1.415
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0