Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

Ngành dệt may 6 tháng đầu năm 2017 - vượt khó để tăng trưởng

26/07/2017 04:33 CH
Hành trang bước vào năm 2017 của ngành dệt may Việt Nam là một năm vô cùng khó khăn, một năm có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong gần chục năm trở lại đây (năm 2016 chỉ tăng 4% so với năm 2015). Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) đã có nhiều nỗ lực tận dụng cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu khi các dòng thuế vào một số thị trường lớn đang có xu hướng giảm dần, nhất là một số FTAs mới ký kết và đã có hiệu lực như Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh kinh tế Á – Âu và sắp có hiệu lực như Việt Nam – EU.

Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng năm 2017 của ngành ước đạt 13,98 tỷ USD, tăng trên 9% so với cùng kỳ năm 2016, gồm hàng dệt và may ước đạt 11,6 tỷ USD tăng 7%, trong đó xuất khẩu vải ước đạt 595 triệu USD tăng 17,8%; xuất khẩu  xơ, sợi ước đạt 1,64 tỷ USD tăng 23,9%; vải không dệt đạt 237 triệu USD tăng 10,2% và xuất khẩu NPL dệt may đạt 494 triệu USD tăng 13,1%.

Tổng kim ngạch nhập khẩu 6 tháng 2017 ước đạt 9,47 tỷ USD, tăng 15,85% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, phần NPL nhập khẩu phục vụ xuất khẩu ước đạt 7,60 tỷ USD tăng 17,9%, phần còn lại nhập khẩu phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước. Như vậy, thặng dư thương mại của dệt may Việt Nam trong 6 tháng đầu năm ước đạt 6,37 tỷ USD, tương đương mức đạt được của cùng kỳ 2016.    

Về thị trường xuất khẩu, nhìn chung xuất khẩu hàng dệt may sang hầu hết các thị trường trong 2 quý đầu năm nay đều đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ vẫn đạt mức cao nhất 5,79 tỷ USD (chiếm trên 41% tổng kim ngạch, tăng 7%); sang EU đạt 1,69 tỷ USD (chiếm 12%, tăng 5,2%); sang thị trường Nhật Bản đạt trên 1,4 tỷ USD (chiếm 10%, tăng 10,7%); sang Hàn Quốc đạt 1,02 tỷ USD (chiếm 7,2%, tăng 16,2%).

Về chủng loại mặt hàng, xuất khẩu sản phẩm may của Việt Nam tăng khá chủ yếu nhờ các mặt hàng áo thun (2,78 tỷ USD, tăng 23,6%), quần (2,08 tỷ USD, tăng 12,3%), quần áo trẻ em (802 triệu USD, tăng 20,5%), áo sơ mi (663 triệu USD, tăng 2.7%), đồ lót (573 triệu USD, tăng 22%).

Đây là sự cố gắng đáng ghi nhận của ngành dệt may trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn bất ổn và tình hình xuất khẩu dệt may của nhiều cường quốc không mấy khả quan. Trung Quốc giảm hơn 5% so với cùng kỳ 2016, Bangladesh giảm 3,5%, Indonesia giảm 5%, chỉ có Ấn Độ tăng 5%.

            Những kết quả 6 tháng đầu năm 2017 của ngành dệt may đạt được, có thể nói, ngoài sự nỗ lực của toàn ngành, còn phản ánh những tác động tích cực của quyết tâm đồng hành cùng DN, tạo thuận lợi cho DN từ Chính phủ, các Bộ, ngành thông qua việc chỉ đạo và triển khai thực hiện các Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ.

Để những cơ hội từ các FTAs chuyển thành lợi ích thực sự, Hiệp hội Dệt May Việt Nam tiếp tục kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành nghiên cứu tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho DN. Cụ thể như:

Đẩy nhanh quá trình ra văn bản sửa đổi Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định điều kiện cấp phép nhập khẩu máy in để in trên sản phẩm dệt may xuất khẩu là “chủ DN phải có bằng cấp từ cao đẳng trở lên về ngành in hoặc được Bộ TTTT cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in”.

Bộ Công Thương và Bộ Tài chính bỏ quy định tăng mức thuế nhập khẩu từ 0% lên 2% đối với xơ polyester (mã HS: 5503.20.00), do các DN vẫn phải nhập khẩu là chủ yếu và sản xuất trong nước do nhiều nguyên nhân đến nay chưa đáp ứng được.

Sửa đổi Thông tư số 49/2015/TT-BCT ngày 21/12/2015 của Bộ Công Thương theo hướng bỏ quy định khi sản xuất hoặc gia công XK quân trang, quân phục cho nước ngoài phải “xác định về đơn vị/cơ quan/tổ chức sử dụng cuối cùng sản phẩm quân phục đặt sản xuất, gia công tại Việt Nam” (khoản 4b Đ. 5).

Bộ Tài chình nghiên cứu cho phép các DN sử dụng vải trong nước sản xuất hàng xuất khẩu không phải nộp thuế GTGT (VAT) để khuyến khích sử dụng vải sản xuất trong nước nhằm bình đẳng với vải nhập khẩu để gia công XK, vì theo luật thuế nhập khẩu có hiệu lực từ 01/9/2016 thì NPL nhập khẩu để gia công XK sẽ được miễn thuế thay vì hoàn thuế như trước đây.

Đề nghị Chính phủ ngừng tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 và xem xét điều chỉnh tỷ lệ đóng BH về mức hợp lý để DN có thể tập trung nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng sản xuất giải quyết việc làm cho các vùng nông thôn, miền núi.

Đẩy nhanh quy trình sửa đổi, bổ sung BLLĐ 2012 để tháo gỡ khó khăn cho DN, do Bộ luật Lao động năm 2012 đang có rất nhiều bất cập gây khó khăn cho DN, ví dụ: quy định về làm thêm giờ, về trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp, về tiền lương tối thiểu, về an toàn vệ sinh lao động, về kỷ luật lao động…

Sửa đổi Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về kiểm dịch động vật theo tinh thần của các Nghị quyết 19 của Chính phủ. Cụ thể đối với lông vũ, lông gia cầm (đã qua xử lý) có đầy đủ kiểm dịch động vật và C/O từ phía khách hàng đề nghị bỏ kiểm dịch, hun trùng khi nhập khẩu về Việt Nam. Tương tự đối với lông gấu, lông cáo có đầy đủ kiểm dịch, C/O và tên khoa học không thuộc danh mục CITES từ phía khách hành đề nghị bỏ kiểm dịch, hun trùng và giám định sinh thái.

Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo UBND TP. Hải Phòng sớm thực hiện Công văn số 5036/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Hải Phòng rà soát, tính toán lại cho hợp lý, giảm phí cảng biển phù hợp sức chịu đựng của DN.

Nhà nước hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế thời trang, khâu dệt nhuộm, công nghệ thông tin, an ninh mạng để DN dần khắc phục những khâu yếu, đồng thời tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tiếp tục chính sách giảm lãi suất cho vay, nghiên cứu điều chỉnh tỷ giá hợp lý để tạo điều kiện cho DN xuất khẩu.

Với tinh thần vượt khó, chủ động hội nhập toàn diện, năng động sáng tạo, bắt kịp xu hướng ngành thời trang thế giới, ngành dệt may Việt Nam đã khẳng định vị thế trên trường quốc tế, đứng đầu khối ASEAN về xuất khẩu dệt may và có ảnh hưởng tích cực, trách nhiệm với đất nước về 5 vấn đề lớn:

1. Thu hút trên 3 triệu lao động làm việc trong các nhà máy sản xuất công nghiệp có quy mô từ 500 lao động trở lên và có khoảng 2,5 triệu lao động làm việc tại các ngành phụ trợ phục vụ cho dệt may.

2. Góp phần chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ cho các địa phương, kể cả tại các vùng sâu, vùng xa.

3. Tuyển dụng và đào tạo, đảm bảo việc làm với thu nhập ổn định cho hàng triệu người lao động và gia đình họ tại các vùng nông thôn, góp phần làm giảm tệ nạn xã hội cho địa phương.  

4. Tăng thu ngân sách cho các địa phương thông qua thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, đảm bảo thu nhập cho người lao động từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng. Tạo điều kiện cho các dịch vụ như nuôi trồng thủy, hải sản, chăn nuôi, trồng trọt cung cấp lương thực thực phẩm cho các nhà máy của ngành dệt may.

5.  Ngành dệt may hàng năm xuất khẩu trên 30 tỷ USD, đóng góp 14 - 14,5 tỷ USD thặng dư thương mại cho nền kinh tế.

Với những kết quả đạt được, chúng ta có quyền tự hào về những gì ngành dệt may đã và đang đóng góp để duy trì sự phát triển ổn định, bền vững cho đất nước. Tôi đề nghị các doanh nghiệp dệt may hãy nỗ lực hơn nữa, thể hiện bản lĩnh, sáng tạo trong tư duy, quyết liệt và nhạy bén trong hành động, hội nhập toàn diện, nâng cao khả năng cạnh tranh, đầu tư công nghệ hiện đại để thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng chuỗi liên kết ngành, vùng, xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu theo phương thức ODM, OBM…

Trên tinh thần đó, tôi cho rằng mục tiêu đạt 30,5 đến 31 tỷ USD năm 2017 tăng khoảng 9 - 10% so với năm 2016 của ngành dệt may Việt Nam sẽ không phải là điều xa vời.

Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.087.256
Khách
: 1.023
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Ngành dệt may 6 tháng đầu năm 2017 - vượt khó để tăng trưởng Rating: 5 out of 10 82734.
Core Version: 1.8.0.0