Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

Lơ mơ, doanh nghiệp Việt liên tiếp dính kiện

23/08/2019 11:15 SA

Trong 7 tháng của năm 2019, tần suất các vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng Việt Nam xuất khẩu duy trì ở mức độ cao, trung bình 1 vụ/tháng.

Nhiềdoanh nghiệp còn… lơ mơ

Xu thế bảo hộ đang gia tăng với nhiều nhóm sản phẩm xuất khẩu như xơ sợi, thép, nhôm, nông sản... đã đẩy hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam liên tục dính kiện phòng vệ thương mại từ nhiều thị trường lớn.

Thông tin về tình hình gian lận và phòng vệ thương mại từ đầu năm 2019 đến nay, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, 7 tháng đầu năm nay, tần suất các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước đối với Việt Nam ở mức cao, trung bình mỗi tháng 1 vụ. Đáng chú ý, các nước đều đang chú trọng tới việc điều tra xuất xứ hàng hoá nhằm áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch, phòng vệ thương mại.

Dẫn chứng rõ hơn, ông Dũng cho biết, các vụ việc Mỹ đang điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với thép chống ăn mòn, thép cán nguội của Việt Nam (nhập khẩu nguyên liệu từ Hàn Quốc, Đài Loan), hay xem xét đơn kiện Công ty Minh Phú gian lận thuế với sản phẩm tôm (mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá từ năm 2005 và kiện trợ cấp năm 2013) là minh chứng rõ nét cho xu thế này.

Hồi đầu tháng 7, Bộ Thương mại Mỹ áp thuế 456% lên một số loại thép nhập từ Việt Nam vì cáo buộc Hàn Quốc và Đài Loan chuyển hàng tới Việt Nam gia công rồi xuất sang Mỹ. Theo 3 phán quyết sơ bộ trước đó về việc thép Việt Nam lách luật, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, một số mặt hàng bị nhắm tới được sản xuất từ Hàn Quốc và Đài Loan, sau đó được đưa sang Việt Nam gia công trước khi xuất khẩu qua Mỹ.

Xơ sợi là một trong những mặt hàng bị kiện chống bán phá giá nhiều nhất.

Những mặt hàng này bao gồm các sản phẩm thép không gỉ và thép cán nguội. Cán bộ hải quan Mỹ được đề nghị thu thuế với mức 456,23% giá trị của mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Tại thời điểm này, Bộ Công thương đang xử lý 7 vụ việc phòng vệ thương mại (5 vụ việc chống bán phá giá và 2 vụ việc trợ cấp) khởi xướng điều tra với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ cũng đang tiếp tục xử lý 7 vụ việc khởi xướng từ năm 2018; 4 vụ việc rà soát biện pháp phòng vệ thương mại đã áp dụng, trong đó có những vụ việc có kim ngạch xuất khẩu lớn như cá tra, tôm. Trong 7 vụ việc khởi xướng điều tra mới, thị trường Ấn Độ dẫn đầu với 4 vụ việc, Mỹ 2 vụ việc, Malaysia 1 vụ việc.

Trong bối cảnh diễn biến thương mại thế giới phức tạp như vậy, nhưng theo ông Lê Triệu Dũng, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp Việt về phòng vệ thương mại rất hạn chế và đang làm giảm hiệu quả của việc ứng phó với các vụ kiện của nước ngoài.

“Sự thiếu hợp tác của một số doanh nghiệp xuất khẩu dẫn đến việc toàn bộ doanh nghiệp khác của Việt Nam bị áp mức thuế cao. Nhiều doanh nghiệp do lo ngại khi trả lời bản câu hỏi của nước ngoài nên đã bị áp thuế cao”, ông Dũng chỉ rõ.

Xơ sợi, sắt thép, thức ăn gia súc… dè chừng

Con số 1 vụ kiện mỗi tháng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể chưa dừng lại khi danh sách các mặt hàng có nguy cơ vướng kiện cao tiếp tục được Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nêu ra tại cuộc họp bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu 5 tháng cuối năm mới đây.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê cho thấy, nếu như trong năm 2018 chỉ có 13/37 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến sang Mỹ, EU, Canada… thì trong 6 tháng đầu năm nay, số mặt hàng xuất khẩu đột biến đã tăng lên con số 15.

“Ngay cả khi phát triển được chuỗi sản xuất tại Việt Nam (ví dụ như đối với thép, nhôm), nếu xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh, đột biến, thì ngoài biện pháp chống lẩn tránh, không loại trừ khả năng nước nhập khẩu sẽ điều tra chống bán phá giá và trợ cấp với sản phẩm của Việt Nam như đã làm với một số nước khác”, ông Khánh nói.

Ông Khánh cũng lưu ý, quy định của thị trường Mỹ là cho phép các doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Điều này dẫn đến hệ lụy là nhiều doanh nghiệp không sản xuất hàng hóa tại Việt Nam, hàng hóa không có xuất xứ Việt Nam cũng có thể tự chứng nhận C/O Việt Nam, xuất khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, khi có vấn đề thì lập tức các doanh nghiệp trong lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng ngay.

Nhưng nguy cơ lớn hơn và gây ảnh hưởng kép tới Việt Nam là việc hàng hoá nước ngoài được nhập và chế biến đơn giản để xuất sang Mỹ né thuế.

Nguồn: Thế Hải - Doanh nghiệp hội nhập

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.086.514
Khách
: 261
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0