Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

Người lao động và chủ sử dụng lao động phải “cùng thuyền chia sẻ"

22/08/2019 08:36 SA
Trên khía cạnh doanh nghiệp may mặc, phóng viên đã phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Dương (ảnh), Tổng giám đốc may Hưng Yên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên về những thay đổi trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)
nguoi lao dong va chu su dung lao dong phai cung thuyen chia se

ông Nguyễn Xuân Dương, Tổng giám đốc may Hưng Yên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên

Hiện Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm và đề xuất thêm một phương án về tính tiền làm thêm giờ, theo đó sẽ tính theo lũy tiến đối với thời gian làm thêm giờ trong ngày, ông có đánh giá gì về sự thay đổi này?

Nếu so với các quốc gia đang cạnh tranh lao động với Việt Nam như các nước trong khối ASEAN, tổng số giờ được làm thêm tối đa trong một năm của Việt Nam đang bị hạn chế (200 giờ), thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan 1.836 giờ, Malaysia 1.248 giờ, Philippines 1.224 giờ, Indonesia (714 giờ) hay Trung Quốc (432 giờ), Bangladesh (408 giờ), Ấn Độ (300 giờ). Quy định giờ làm thêm thấp ảnh hưởng rất lớn tới sức cạnh tranh về lao động của Việt Nam so với các quốc gia khác. Đáng chú ý, số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam cũng hiện ở mức thấp (Campuchia, Philippines không khống chế số giờ làm thêm tối đa, Indonesia là 56 giờ/tháng; Singapore: 72 giờ/tháng; Thái Lan: 36 giờ/tuần; Malaysia 104 giờ/tháng; Lào 45 giờ/tháng...). Như vậy, đề xuất tăng thời gian làm thêm giờ của Việt Nam là phù hợp với xu thế chung của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Từ thực tế của một số doanh nghiệp dệt may cho thấy rất nhiều đơn hàng của doanh nghiệp đã bị hủy do doanh nghiệp vi phạm điều kiện về thời giờ làm thêm. Bản thân doanh nghiệp thuộc ngành dệt may phần lớn là doanh nghiệp gia công, phải phụ thuộc rất nhiều vào đối tác như chờ nguyên liệu về nên rất khó có thể đúng được thời gian. Doanh nghiệp cũng “cực chẳng đã” mới phải tổ chức làm thêm giờ vì làm thêm giờ vừa khiến doanh nghiệp mất thêm các chi phí về quản lý vừa phải trả tiền lương cho người lao động cao hơn so với làm vào giờ bình thường. Chính vì vậy, về giờ nếu có thể tăng thêm được nữa thì tốt cho doanh nghiệp. Nếu vẫn để mức 400 giờ/năm thì nên bỏ mức trần làm thêm giờ theo tháng, bởi không phải một năm 12 tháng doanh nghiệp đều cần làm thêm giờ mà chỉ có những tháng cao điểm, những tháng thời vụ còn những tháng khác doanh nghiệp lại không có nhu cầu làm thêm giờ. Ví dụ có thể để chúng tôi làm thêm giờ đến 80 giờ/tháng để chạy kịp đơn hàng nhưng có những tháng chúng tôi lại không làm thêm giờ, chỉ cần tổng một năm, doanh nghiệp không vượt quá mức 400 giờ là được.

Về cách tính tiền làm thêm giờ, theo tôi vẫn giữ nguyên như quy định hiện nay là hợp lý, bởi chúng ta đang có mức trả tiền làm thêm giờ cao hơn khá nhiều so với một số nước trên thế giới như Nhật Bản chỉ có 120% - 200% nhưng của chúng ta đang tính là 150% với ngày thường, 200% với ngày nghỉ hàng tuần và 300% đối với ngày lễ, Tết. Việc nâng mức tiền làm thêm giờ cao lên là vô lý và bản thân người lao động phải xác định rõ, người lao động và chủ sử dụng lao động là cùng đứng trên một con thuyền, chính vì vậy phải xác định tâm lý là cùng thuyền chia sẻ, nếu không chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng xung đột.

Trong Dự thảo luật lần này cần quy định rõ tính tiền lương làm thêm giờ trên cơ sở là gì, ví dụ tính trên lương sản phẩm hay đơn giá cơ sở không bao gồm các phụ cấp khác, tránh hiểu lầm trong cách tính.

Một trong những vấn đề đang nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ phía doanh nghiệp chính là đề xuất giảm giờ làm việc bình thường trong tuần từ 48 giờ xuống còn 44 giờ/tuần. Nhiều doanh nghiệp cho rằng điều này sẽ gây thiệt hại trực tiếp cho doanh nghiệp, theo ông điều này có đúng không?

Đặc thù của ngành dệt may, da giày… là lao động hưởng lương theo sản phẩm thay vì giờ làm nên khi thời giờ làm việc bị giảm đi thì số sản phẩm được làm ra sẽ giảm đi và đồng nghĩa với điều đó là thu nhập của bản thân người lao động cũng sẽ giảm theo.

Trong khi đó, doanh nghiệp lại phải tăng chi phí làm thêm giờ để bù đắp sự thiếu hụt sản phẩm như vậy cả hai phía người lao động và doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam vẫn lấy nhân công giá rẻ là lợi thế cạnh tranh, tuy nhiên, nếu đưa giờ làm việc xuống còn 44 giờ/tuần, đồng nghĩa với việc giảm 9% thời lượng làm việc trong 1 tuần. Nếu quy ra giá trị, chỉ tính riêng ngành da giày đã mất gần 2 tỷ USD mỗi năm. Tương ứng với đó, người lao động cũng bị mất 9% thu nhập, Nhà nước giảm đi 9% kim ngạch xuất khẩu. Như vậy, thay vì tăng năng suất lao động lên lại kéo xuống.

Trong bối cảnh GDP trên đầu người ở Việt Nam còn thấp thì việc giảm thời gian làm việc chưa phù hợp. Trong dự thảo lần này, tôi đề xuất chưa nên đưa vào quy định này, có thể đưa vào lần sau, vì thiệt hại đến lợi ích của cả 3 bên: Doanh nghiệp, người lao động và Nhà nước.

Nhiều ý kiến kiến nghị bổ sung thêm một điều trong Dự thảo luật liên quan đến vai trò trách nhiệm của tổ chức đại diện người lao động. Theo ông, điều này có cần thiết?

Tôi cho rằng điều này là cần thiết, vì bản thân người lao động có một tổ chức công đoàn từ tổ chức sản xuất đến Trung ương, nếu để công bằng và bình đẳng thì theo tôi nên bổ sung thêm quy định về tổ chức người sử dụng lao động.

Trước hết có người chủ sử dụng lao động thì mới có người lao động và ngược lại có người lao động thì doanh nghiệp mới tồn tại và phát triển được.

Nguồn: Hải quan online

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.086.369
Khách
: 111
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0