Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

Gần 120 người tham dự Hội thảo: Sự thay đổi xu hướng và thách thức trong ngành dệt may Việt Nam

11/04/2019 03:57 CH

Ngày 10/04/2019 tại Trung tâm Triển lãm quận 7 TP. HCM, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã tổ chức hội thảo với chủ đề: Sự thay đổi xu hướng và thách thức trong CN ngành dệt may Việt Nam. Gần 120 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, trường đào tạo của Việt Nam và doanh nghiệp FDI, các chuyên gia trong ngành dệt may đã tham dự hội thảo.

 

Bà Nguyễn Thi Tuyết Mai – Phó TTK VITAS phát biểu khai mạc

Đây là sự kiện bên lề Triển lãm SAIGONTEX 2019. Mục đích của hội thảo nhằm trao đổi về những sự thay đổi xu hướng và thách thức trong ngành dệt may, đặc biệt khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Những yêu cầu về quy tắc xuất xứ, các quy định về môi trường, trách nhiệm xã hội, lao động... mà các doanh nghiệp bắt buộc phải tuân thủ để tận dụng những ưu đãi của Hiệp định CPTPP, hướng đến sự phát triển bền vững và xanh hóa ngành dệt may.

 

Ông Vương Đức Anh - Trợ lý TGĐ VINATEX giới thiệu về CPTPP

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe ông Vương Đức Anh - Trợ lý TGĐ VINATEX giới thiệu về Hiệp định CPTPP – cơ hội gia tăng xuất khẩu, bao gồm: Các cam kết về quy tắc xuất xứ và mở cửa thị trường của Hiệp định CPTPP; Các vấn đề cần lưu ý khi tận dụng Hiệp định CPTPP – các quy định nội luật hóa của Việt Nam so với cam kết theo Hiệp định, các vấn đề có thể phát sinh gồm: Thủ tục chứng nhận xuất xứ, quy trình xác minh xuất xứ của nước nhập khẩu, lưu ý đối với nhà sản xuất – xuất khẩu; Khai thác tận dụng các linh hoạt về quy tắc xuất xứ: De minimis, nguồn cung thiếu hụt ... trong CPTPP và một số nội dung khác. Theo ông Vương Đức Anh nhận định, dư địa gia tăng xuất khẩu vào thị trường CPTPP rất lớn, để tận dụng được tối đa ưu đãi thuế quan từ CPTPP hay EVFTA, doanh nghiệp dệt may của Việt Nam phải hình thành được chuỗi liên kết. Việc này cũng sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực khi thị trường biến động, đặc biệt là khi tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và xung đột thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết.

 

Ông Đỗ Hữu Nhật Quang – Công ty GreenViet trình bày về Sáng kiến xanh hóa ngành dệt may VN

Ông Đỗ Hữu Nhật Quang – GĐ Phát triển Kinh doanh Công ty TNHH Tư vấn GreenViet đã có bài thuyết trình về Sáng kiến xanh hóa ngành dệt may Việt Nam với các nội dung: Tổng quan về công trình xanh, các giải pháp xanh cho nhà máy, tại sao nên làm nhà máy xanh. Ông Quang cho biết, công trình xanh là công trình trong thiết kế, xây dựng hoặc vận hành giảm thiểu các tác động xấu và có thể tạo ra những tác động tích cực đối với khí hậu và môi trường. Trong đó có 5 tiêu chí xanh cơ bản gồm: địa diểm bền vững, chất lượng không khí trong nhà, năng lượng, nước, vật liệu và rác thải. Lợi ích của công trình xanh nằm trên cả 3 phương diện: môi trường, kinh tế và xã hội. Khi xây dựng và vận hành nhà máy xanh sẽ đảm bảo cân bằng các lợi ích của cả 3 đối tượng: công nhân, chủ đầu tư và nhãn hàng. Ông Quang khẳng định, công trình xanh đang là xu hướng xây dựng mới ở Việt Nam.

 

Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm TTK VITAS phát biểu

Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm TTK VITAS cho biết, quy định xuất xứ từ sợi của CPTTP đã đánh đúng vào điểm nghẽn của ngành dệt may vì hiện vẫn phải nhập gần 99% bông, 1,3 triệu tấn sơ xợi, 80% vải... Do đó, để vượt qua thách thức, tận dụng tốt các cơ hội từ CPTPP, các DN dệt may phải có sự hiểu biết sâu rộng về hiệp định này. Trong đó, đặc biệt nắm kỹ các quy định về quy tắc xuất xứ, tìm hiểu rõ các thị trường trong khối để có hướng đi đúng. Ông Cẩm nhấn mạnh, DN dệt may cần đẩy mạnh hợp tác, liên kết với nhau nhằm xây dựng chuỗi liên kết trong nước. Đồng thời, DN cũng cần thu hút đầu tư, liên kết với các DN FDI, nhà đầu tư nước ngoài để nhận chuyển giao dòng vốn, công nghệ, trình độ quản trị và chen chân vào chuỗi giá trị. Một thách thức lớn khác mà doanh nghiệp Việt Nam phải giải quyết là môi trường. Dệt may là một trong những ngành có thể gây ô nhiễm môi trường. Nếu muốn phát triển bền vững trong dài hạn, doanh nghiệp nói riêng và toàn ngành dệt may nói chung phải giải quyết vấn đề môi trường, tiết kiệm năng lượng. Việc xây dựng các công trình xanh vừa có ý nghĩa tuân thủ các cam kết về môi trường, lao động... trong các hiệp định FTA vừa góp phần xanh hóa và phát triển bền vững ngành dệt may Việt Nam.

Một số hình ảnh tại hội thảo:

 

 

 


 

Bài: Nguyễn Bình

Ảnh: Nguyễn Bình, Trí Võ  

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.087.235
Khách
: 1.002
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0