Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

Hơn 200 đại biểu tham dự Hội nghị Chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu TASCC 2019 tại TP. HCM

12/04/2019 04:58 CH

Ngày 11/04/2019 tại khách sạn Sheraton Sài Gòn, TP. HCM, Hội đồng Dệt May Quốc gia Trung Quốc (CNTAC) và Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã tổ chức Hội nghị Chuỗi cung ứng Dệt May Toàn cầu (TASCC) với chủ đề Xu hướng hội nhập phát triển bền vững – hướng đến xanh hóa của ngành dệt may và giải pháp khu vực cho những thách thức toàn cầu. Hơn 200 đại biểu đến từ các tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam và quốc tế đã tham dự hội nghị.

Tham dự hội nghị có đông đảo Lãnh đạo của Hội đồng Dệt May Quốc gia Trung Quốc như Chủ tịch Sun Ruizhe, hai Phó Chủ tịch là Chen Da Peng và Yang Ji Chao, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS, Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VITAS, ông Lê Tiến Trường – Phó Chủ tịch VITAS kiêm TGĐ Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VINATEX), Ông Li Jianliang - Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP HCM, bà Bùi Hoàng Yến – Phó Trưởng Đại diện phía Nam, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Ông Christian P. Schindler - Tổng Giám đốc Liên đoàn các Nhà sản xuất Dệt May Quốc tế (ITMF), Ông Jumnong Nawasmittawong – Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Dệt Đông Nam Á (AFTEX), các diễn giả và đại diện của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới, Tổ chức bảo về Thiên nhiên hoang dã WWF, Cơ quan Phát triển quốc tế Đức, Tổ chức Fair Wear Foundation,  các Hiệp hội dệt may quốc gia như Liên đoàn Dệt May Đài Loan - TTF, Liên đoàn Công nghiệp Dệt Quốc gia Thái Lan, NFTTI, Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc KITECH, Hiệp hội Quốc tế Bông Mỹ và các nước, các nhãn hàng, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam và FDI, các chuyên gia đầu ngành về dệt may của Trung Quốc, Việt Nam và quốc tế .

 

Ông Sun Ruizhe – Chủ tịch CNTAC phát biểu

Phát biểu tại Hội nghị, ông Sun Ruizhe – Chủ tịch CNTAC cho biết, ngành dệt may Trung Quốc giữ vị trí số 1 thế giới với doanh số 250 tỷ USD/năm, giải quyết việc làm cho hơn 200 triệu người. Để mở rộng vành đai chuỗi cung ứng dệt may, hiện Trung Quốc đã đầu tư ra nước ngoài trong đó Việt Nam là thị trường đầu tư quan trọng nhất. Quan hệ thương mại về dệt may giữa VN và Trung Quốc có sự bổ sung cho nhau và đóng góp quan trọng vào nền kinh tế mỗi nước. Ông Sun Ruizhe tin tưởng Hội nghị Chuỗi cung ứng Dệt May toàn cầu TASCC tại TP. HCM sẽ thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp dệt may hai nước nhằm phát huy những thế mạnh của mình, tiếp tục mở rộng, nâng cao vị thế, tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao trách nhiệm về bảo vệ môi trường, cùng nhau phát triển bền vững và hội nhập nền kinh tế thế giới.

 

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS phát biểu

Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS cho biết, Việt Nam đã cam kết tham gia thực hiện đầy đủ 17 mục tiêu về phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự 2030 toàn cầu. Trong đó các mục tiêu quan trọng đều hướng tới phát triển đất nước đảm bảo hài hoà lợi ích về KT – XH và môi trường. Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế đã tham gia và phê chuẩn Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu tại COP21 năm 2015. Ngành dệt may cũng không nằm ngoại lệ. Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do... theo đó các hàng rào thuế quan truyền thống sẽ dần loại bỏ, thay vào đó các nước sẽ có xu hướng hình thành nên nhiều hàng rào kỹ thuật về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn môi trường, nhãn năng lượng, nhãn các-bon... để bảo vệ nền sản xuất nội địa, ngành dệt may cần đi theo xu hướng này. VITAS đã thanh lập Ủy ban Môi trường và trong ba năm qua đã tham gia mạnh mẽ vào chương trình hành động “Xanh hóa ngành dệt may” với sự phối hợp, hỗ trợ  của Liên minh Dệt May bền vững SAC và các tổ chức quốc tế như  GIZ, WWF, IDH, US-AID VLEEP, World Bank. Qua đó, đã góp phần định hướng doanh nghiệp đi theo hướng sản xuất xanh, bền vững, bảo vệ môi trường và lấy đó là một tiêu chí cạnh tranh nổi bật, cũng là một cách khẳng định với một số chính quyền địa phương có quan điểm bảo thủ khi cho rằng “dệt may là một ngành gây ô nhiễm”.

Ông Giang cho rằng, Hội nghị TASCC 2019 sẽ là cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp, những nhà máy may, công ty cung cấp vải, nguyên phụ liệu, những đơn vị chuyên về giải pháp, cùng cập nhật thông tin về thị trường, xu hướng, tiềm năng, giải pháp của chuỗi cung ứng toàn cầu. Tại hội nghị này, các doanh nghiệp sẽ chia sẻ được với nhau cơ sở dữ liệu thành viên theo chuỗi, kết nối người bán và người mua hàng. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, đây cũng là cơ hội thực tế khách quan sẽ giúp cho công tác xây dựng các chính sách phát triển, hỗ trợ phát triển theo hướng bền vững của ngành Công Thương được cụ thể hơn. Ông Giang nhấn mạnh việc cần xây dựng chuỗi để tạo ra sự phát triển liên kết chuỗi toàn cầu trong đó Trung Quốc là sự hợp tác mang tính toàn diện giữa DN Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời đề nghị các nhà đầu tư tuân thủ các qui định về môi trường của Việt Nam.

 

Lê Tiến Trường – Phó Chủ tịch VITAS/TGĐ VINATEX phát biểu

Phát biểu về vai trò của các hiệp hội quốc gia trong việc xây dựng chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, ông Lê Tiến Trường – Phó Chủ tịch VITAS/TGĐ VINATEX cho biết, hiện nay Việt Nam mua 45% vải từ Trung Quốc, tuy ngành may Việt Nam nhập vải rất lớn từ Trung Quốc nhưng chủ yếu theo sự chỉ định nguồn nguyên liệu từ nhà nhập khẩu…, quan hệ này chỉ dừng lại ở quan hệ khách hàng – nhà sản xuất thông qua hợp đồng mà chưa phải là quan hệ mắt xích trong một chuỗi cung ứng. Vì vậy các DN sản xuất vải Trung Quốc và doanh nghiệp may của Việt Nam cần tiến tới các thỏa thuận cùng phát triển sản phẩm trọn gói với nhà nhập khẩu, nhằm hướng tới hình thành chuỗi cung ứng thực chất, hình thành lợi ích chiến lược giữa nhà sản xuất nguyên liệu và doanh nghiệp may, tránh việc bán phá giá, ép giá ở từng khâu của chuỗi cung ứng, đem lại lợi ích hài hòa lâu dài cho các thành viên trong chuỗi.

 

Các đơn vị nhận giải cống hiến cho sự hợp tác phát triển công nghiệp dệt may

Hội nghị đã nghe các diễn giả trao đổi về những chủ đề: “Toàn cầu hóa chuỗi cung ứng dệt may và xu hướng phát triển bền vững của ngành Dệt May”; “Làm thế nào để xây dựng chuỗi cung ứng dệt may xanh”; “Vai trò của Hiệp hội Quốc tế trong quá trình kết nối chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu”; “Hợp tác khu vực và đầu tư có trách nhiệm trong ngành Dệt May”; “Xanh hóa chuỗi cung ứng dệt may thông qua hành động – kinh nghiệm trên thế giới tới các hành động quốc gia”; “Tích hợp tài nguyên chuỗi cung ứng để đáp ứng khách hàng toàn cầu”… Theo các chuyên gia, xây dựng các chuỗi cung ứng dệt may bền vững mang ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp dệt may toàn cầu, duy trì tính cạnh tranh của công nghiệp dệt may Việt Nam và Trung Quốc .

 

Toàn cảnh hội nghị

Hội nghị Chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu - TASCC (Global Textile and Apparel Supply Chain Conference) - TASCC được khởi xướng từ năm 2008 và tổ chức hàng năm bởi Hội đồng Dệt may Quốc gia Trung Quốc (CNTAC). Trải qua 11 kỳ tổ chức tại Trung Quốc, Hội nghị đã thu hút hơn 4.000 đại biểu tham dự với nhiều sáng kiến phát triển ngành công nghiệp dệt may. Chủ đề của Hội nghị năm 2019 tại Việt Nam cũng thể hiện định hướng phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Một số hình ảnh tại hội nghị:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài và ảnh: Nguyễn Bình

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.086.478
Khách
: 225
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0