Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

Hiệp định CPTPP tiếp lửa cho xuất khẩu dệt may

16/03/2018 09:48 SA
Việc Hiệp định CPTPP được ký kết đã đánh dấu bước phát triển quan trọng, tạo ra cú hích lớn cho sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới.
Hiệp định CPTPP tiếp lửa cho xuất khẩu dệt may
Ngành dệt may của Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 34 tỷ USD trong năm 2018.

Kì vọng của nhiều doanh nghiệp

Với tỷ lệ hàng 
dệt may xuất khẩu chiếm hơn 80% tổng sản phẩm sản xuất, những ngày vừa qua, anh Nguyễn Khắc Hiếu, Giám đốc Công ty CP Nghệ thuật quốc tế AZ và nhân viên của mình đã vô cùng phấn khởi khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương(CPTPP) được ký kết.

Anh Hiếu tin tưởng và kỳ vọng với hiệp định thương mại này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp của anh và các công ty hoạt động sản xuất trong lĩnh vực dệt may Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận tới thị trường của các nước cùng ký kết hiệp định.

Cũng vì hy vọng vào việc ký kết thành công hiệp định này (trước đó là hiệp định TPP), từ vài năm gần đây, anh Hiếu cùng ban lãnh đạo Công ty CP Nghệ thuật quốc tế AZ đã không ngừng đầu tư vào hệ thống cơ sở sản xuất, đào tạo nhân viên nhằm từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của những thị trường khó tính trên thế giới.

Làm được điều này là không hề đơn giản, theo anh Hiếu tiết lộ, doanh nghiệp của anh đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để đầu tư mua máy móc chuyên dụng của các nhà cung cấp Nhật Bản, Hàn Quốc. 

Bên cạnh việc tập trung sản xuất, anh cũng mở những lớp đào tạo nâng cao tay nghề và có những cuộc thi về tay nghề giỏi cho công nhân trong công ty để  giúp nhân viên có tâm huyết hơn với nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các đơn hàng.

“Mỗi khách hàng tại các thị trường khác nhau đều có tiêu chuẩn riêng của họ, doanh nghiệp phải tuân thủ đúng tiêu chuẩn chất lượng của họ mới có thể bán được hàng. Với sự đầu tư mạnh mẽ của công ty về chất lượng sản phẩm trong thời gian qua, việc chiều lòng khách hàng quốc tế đã không còn quá khó khăn. Trong thời gian tới, khi rào cản về thuế quan được gỡ bỏ, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn khi thâm nhập vào các thị trường nước ngoài”, anh Hiếu cho biết.

Một doanh nghiệp trong ngành dệt may khác là Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm với hơn 95% quần áo được xuất khẩu (các thị trường chính là Mỹ và Châu Âu) cũng đang kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội hơn khi hiệp định CPTPP được ký kết. Doanh nghiệp này đã dốc toàn lực đầu tư về chất lượng sản phẩm để đón đầu cơ hội hướng đến các thị trường nước ngoài.

Theo ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng giám đốc, Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm, doanh nghiệp đã chi hơn 30 tỷ đồng để đầu tư hệ thống ập là cầu vai và tra tay áo đối với áo vest để đáp ứng đủ tiêu chuẩn về chất lượng của các thị trường khó tính.

Sự mong mỏi và tâm huyết của các doanh nghiệp dệt may đối với Hiệp định CPTPP cũng là điều dễ hiểu bởi sau hơn 7 năm, với gần 40 vòng đàm phán, Hiệp định CPTPP mới được ký kết thành công vào chiều ngày 8/3 vừa qua tại Chile. Đây được coi là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới lớn nhất từng được thông qua trong suốt hơn 22 năm qua, kể từ thời điểm ra đời Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Hiệp định này không chỉ đề cập đến các lĩnh vực truyền thống như: cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa; mở cửa thị trường dịch vụ; sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật mà còn xử lý những vấn đề mới phi truyền thống như: lao động, môi trường, mua sắm Chính phủ hay doanh nghiệp nhà nước.

Nền kinh tế sẽ tăng trưởng thêm 1,3%, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng thêm 4% là những dự báo được đưa ra khi Việt Nam tham gia vào hiệp định này. Trong đó, dệt may được coi là một trong những ngành nghề mũi nhọn, có nhiều cơ hội mở rộng từ thị trường từ CPTPP.
Theo thống kê cho thấy, hiện xuất khẩu dệt may của Việt Nam có đến 49% sang thị trường Mỹ, 12% sang thị trưởng Nhật Bản, Ustralia và Canada chiếm chưa đầy 1%, còn lại 38% là các nước khác.

Sự thiếu vắng của Mỹ trong Hiệp định CPTPP khiến anh Hiếu và nhiều doanh nghiệp dệt may khác có một chút tiếc nuối.

Tuy nhiên, theo anh Hiếu cho biết, doanh nghiệp đang lên kế hoạch, nghiên cứu các thị trường của các nước trong CPTPP nhằm tìm kiếm những khách hàng phù hợp với nguồn hàng và thế mạnh của mình. Qua đó, doanh nghiệp kỳ vọng có thể tận dụng tối đa những lợi thế về thuế quan, mở cửa thị trường, hàng rào kỹ thuật giúp công ty phát triển và mở rộng sản xuất hơn nữa trong thời gian tới.

Thách thức vẫn còn ở phía trước

Bên cạnh những thuận lợi, theo nhiều chuyên gia đánh giá, những khó khăn của doanh nghiệp dệt may Việt Nam khi tham gia vào CPTPP cũng không nhỏ.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá, lợi ích từ hiệp định thương mại tự do mang lại cho dệt may là rất lớn, tuy nhiên đây là những lợi ích tiềm năng. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải chủ động đổi mới để vươn lên khẳng định mình.

Theo đó, một yêu cầu khắt khe của CPTPP là “nguyên tắc xuất xứ”. Nếu muốn hướng thuế suất bằng 0% khi xuất khẩu thì các doanh nghiệp cần phải chứng minh được là nguyên vật liệu sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu đó hoàn toàn là sản xuất trong nước hoặc là nhập khẩu từ các nước tham gia CPTPP khác chứ không phải là nguyên liệu (tính từ sợi) nhập khẩu từ các nước ngoài CPTPP như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc.

Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam bởi hiện tại ngành dệt may đang phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ những nước không tham gia CPTPP.
Bên cạnh đó là thách thức về xu hướng đầu tư rất nhanh và mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường trong nước. Khi biết rõ mốc thời gian có thể thu được lợi ích từ hiệp định của Việt Nam, ngay lập tức các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư vào Việt Nam. Khi đó, doanh nghiệp Việt sẽ rơi vào khó khăn vì yếu hơn các doanh nghiệp nước ngoài về mọi mặt.

Mặt khác, các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam hiện nay vẫn sản xuất gia công, may đơn hàng theo mẫu mà và chất liệu đặt hàng của nước ngoài, năng suất lao động còn thấp. Do đó, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường quốc tế vẫn còn yếu so với các doanh nghiệp nước ngoài.

Trong năm 2018, ngành dệt may của Việt Nam đặt mục tiêu sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu
 34 tỷ USD, tăng trưởng hơn 10% so với năm 2017 (31 tỷ USD). Đây được đánh giá là một mục tiêu đầy tham vọng trong bối cảnh tổng cầu thế giới ít biến động. Với mục tiêu này, các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mãnh liệt trong thời gian tới.

Theo nhiều chuyên gia cho rằng, để tận dụng hiệu quả các ưu đãi của Hiệp định CPTPP, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp Việt Nam cần cơ cấu lại sản xuất, đổi mới sáng tạo, thậm chí là cần những đột phá để nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như sức cạnh tranh trên thị trường. 

(Nguồn: Theleader.vn)
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.086.436
Khách
: 181
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0