Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Bảy, 20/04/2024

Đăng ký nhận tin

Dệt may và thủy sản lo lắng trước Brexit

12/02/2017 03:17 CH

Sau Brexit, đồng euro có thể giảm giá khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh trở nên đắt hơn.

Sự bất ổn của nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) với việc Thủ tướng Ý từ chức và việc Anh và Bắc Ireland rút khỏi EU (Brexit) sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường lớn này.

Trở ngại của dệt may

EU là thị trường lớn thứ 2 về xuất khẩu của Việt Nam đối với các mặt hàng như dệt may, da giày, thủy sản, gỗ... nên sự kiện Brexit sẽ có ảnh hưởng lớn đối với doanh nghiệp các ngành này. Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), dự báo: “Cuối quý I/2017, Brexit sẽ ảnh hưởng đến ngành dệt may”. Trong khi đó, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được thông qua nhưng phải mất 2 năm nữa các biểu thuế mới bắt đầu giảm và có hiệu lực. Như vậy, mặc dù đây là lợi thế nhưng Việt Nam vẫn chưa được hưởng ưu đãi thuế. Mặt hàng dệt may sau 3-7 năm nữa mới được giảm thuế và một số đơn hàng cuối năm 2017 mới có ưu đãi thuế.

Mục tiêu của các doanh nghiệp trong ngành dệt may năm nay là tập trung vào đơn hàng nhỏ và vừa, đặc biệt nhận những đơn hàng cao cấp để cạnh tranh với những nước có thuế xuất khẩu được ưu đãi GSP. Mặc dù các doanh nghiệp trong Vinatex đã có đủ đơn hàng trong quý I nhưng vẫn không được chủ quan vì trong năm 2016, đơn hàng gặp khó vào 2 quý cuối năm do Brexit.

Không lâu sau khi thông tin nước Anh rời khỏi EU, ngành dệt may Việt Nam đã có đơn gửi Bộ Công Thương xin giảm kim ngạch xuất khẩu từ 31 tỉ USD xuống còn 29 tỉ USD. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, nguyên nhân là do doanh nghiệp dệt may có tỉ trọng hơn 50% xuất khẩu vào thị trường Anh đang gặp khó khăn về đơn hàng, hầu hết các lô hàng đều ngừng lại hoặc giảm số lượng. Trước đây, hàng hóa xuất khẩu vào thị trường các nước thành viên EU đều có quy định chung về mã số thuế HS (phân loại hàng hóa) nhưng với Brexit việc này sẽ thay đổi, gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Anh.

Anh là thị trường nhập khẩu nhiều nhất hàng dệt may của Việt Nam trong khối EU, chiếm 21% tổng sản lượng xuất khẩu dệt may sang EU nhưng cho đến giữa năm nay, thị trường Anh đã sụt giảm mạnh. Brexit không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam, có cả những doanh nghiệp Anh đầu tư tại Việt Nam hiện cũng hạn chế sản xuất và đang rao bán nhà máy, vì Brexit sẽ khiến đồng bảng Anh mất giá và sức mua, tâm lý của người tiêu dùng tại đây cũng ảnh hưởng.

 

Xuất khẩu dệt may được dự báo sẽ bị ảnh hưởng bởi sự kiện Brexit. Ảnh: Quý Hòa

Thậm chí, nhiều người lo ngại rằng, một số nước khác cũng có thể sẽ quyết định rời EU cũng như khả năng phải đàm phán bổ sung EVFTA sau Brexit. Do đó, doanh nghiệp dệt may xuất khẩu chủ lực sang Anh và châu Âu đang tìm thêm thị trường mới, hoặc cơ cấu lại đầu tư. Cũng phải nói thêm, một số nước trong khối như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Na Uy cũng cung cấp lượng hàng dệt may lớn cho các nước trong khu vực EU. Vì thế, dệt may ngày càng khó cạnh tranh, nhất là khi Anh tách ra sẽ có những thay đổi trong xuất nhập khẩu.

Thủy sản khó về tỉ giá

Thị trường Anh luôn có số lượng nhập khẩu thủy sản lớn nhất nhì của Việt Nam. Đây là nước nhập khẩu trực tiếp thủy sản từ Việt Nam nên việc Anh rời EU không ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu. Nhưng doanh nghiệp thủy sản sẽ chịu tác động về giá cũng do đồng bảng Anh giảm. Chẳng hạn, EU là 1 trong 3 thị trường chính của nhiều công ty thủy sản xuất khẩu tôm tại Cần Thơ, mà Anh là thị trường chiếm phần lớn. Vì thế, các công ty này bị ảnh hưởng bởi cả đồng bảng Anh giảm giá và đồng euro cũng giảm. Như vậy, đây là tác động kép cho doanh nghiệp vì cả thị trường Anh và EU đều gặp khó khăn.

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang các nước này sẽ không còn được hưởng những điều kiện ưu đãi về thuế như trong EVFTA khi chính thức thông qua. Theo VASEP, suốt 4 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Anh tăng trưởng mạnh với tốc độ 39%, nhưng bắt đầu có thông tin Brexit thì giảm còn 16%.

Là thị trường chiếm 20% tổng sản lượng xuất khẩu của Công ty Vĩnh Hoàn, vào khoảng 50 triệu USD, nên Brexit sẽ khiến công ty này thêm khó trong năm 2017. Thị trường này đang được Vĩnh Hoàn đầu tư tập trung đẩy mạnh hàng thủy sản cao cấp. Sau khi những thông tin sai lệch về cá tra được dỡ bỏ 2-3 năm trước tại châu Âu, Vĩnh Hoàn đã thuê đội ngũ bản xứ đẩy mạnh truyền thông, quảng bá sản phẩm tại châu Âu nhằm tranh thủ dư địa của thị trường.

Hùng Vương vốn có thị trường chủ lực là Nga, nhưng Tây Âu và Bắc Âu cũng là những thị trường chính. Vì thế, Brexit sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đơn hàng xuất khẩu của Công ty. Đặc biệt trong thời điểm ngành chăn nuôi được Hùng Vương kỳ vọng lại rớt giá thê thảm. Báo cáo tài chính của Công ty Cổ phần Trang (Trangs Group) cũng đã thay đổi chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận sau sự kiện Brexit vì thị trường Anh chiếm đến 60% thị phần của công ty này. Chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận năm 2017 có cao hơn nhưng đây mới chỉ là dự kiến.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong EU, Anh là thị trường lớn nhất nhập khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu hằng năm chiếm khoảng 35-36% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Chưa có con số cụ thể của năm 2016 nhưng theo thông tin từ năm 2015, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam sang EU đạt khoảng 900 triệu USD và thị trường Anh 270 triệu USD. Trong năm 2016, khi Brexit vừa được đưa ra, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ tại Bình Định đã chịu ảnh hưởng lớn khi khách hàng đòi giảm từ 5-7% giá, thậm chí có khách hàng đòi giảm đơn hàng vì sức mua thị trường này giảm sút.

Ngoài ra, da giày, vốn coi EU là thị trường chủ lực, cũng đang lo lắng cho các đơn hàng trong năm 2017 bởi chưa biết chính sách của Anh và EU sẽ thay đổi như thế nào. Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex, cho biết: “Trước những thay đổi của thị trường và diễn biến thế giới, năm nay ngành dệt may khó dự báo hơn rất nhiều so với những năm trước”.

Nguồn: Thanh Hương/ NCĐT

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.110.867
Khách
: 657
 
Dệt may và thủy sản lo lắng trước Brexit Rating: 5 out of 10 66584.
Core Version: 1.8.0.0