Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Ba, 19/03/2024

Đăng ký nhận tin

Để tận dụng cơ hội từ FTA Việt Nam - Hàn Quốc

22/05/2015 02:08 CH
Gần như tất cả các mặt hàng dệt may đều được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực. Đây là một trong những cam kết cắt giảm thuế khá có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam, nhưng liệu doanh nghiệp Việt Nam có tận dụng được các cơ hội này?



Việt Nam và Hàn Quốc hôm 5-5 chính thức ký VKFTA sau hơn hai năm đàm phán. Theo Bộ Công Thương, Hàn Quốc cam kết tự do hóa 97,2% tổng giá trị hàng nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), tức 95,4% số dòng thuế. 

Đổi lại, Việt Nam cam kết cắt giảm thuế quan với 92,7% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 89,2% số dòng thuế.

Nhiều mặt hàng được xóa bỏ thuế ngay

 

Dự kiến vào khoảng tháng 10 năm nay, Bộ Tài chính mới ban hành thông tư hướng dẫn và biểu thuế thực hiện cam kết ưu đãi thuế quan với Hàn Quốc từ ngày 1-1-2016 theo VKFTA. Tuy nhiên, hiện trên một số trang web của Hàn Quốc như www.fta.go.kr đã có thông tin đầy đủ (bằng tiếng Anh và tiếng Hàn) về cam kết cắt giảm cụ thể với từng dòng thuế.

Trong đó, hầu hết các mặt hàng dệt, may từ Việt Nam vào Hàn Quốc sẽ được đưa về thuế suất 0%, ngay khi hiệp định có hiệu lực, thay vì từ 8-13% như hiện nay. Hiện hàng dệt, may là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong bốn tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc hàng dệt, may với kim ngạch trên 587 triệu đô la Mỹ, chiếm gần một phần tư tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này.

Một mặt hàng khác mà Việt Nam hiện cũng xuất khẩu khá mạnh vào thị trường Hàn Quốc là thủy sản, đặc biệt là tôm. Từ ngày 1-1-2016, Hàn Quốc sẽ xóa bỏ thuế cho mặt hàng tôm (thuế suất 0%) nhập khẩu từ Việt Nam, nhưng chỉ áp dụng trong hạn ngạch. Trong năm đầu tiên hiệp định có hiệu lực, mức hạn ngạch được áp dụng là 10.000 tấn/năm, và tăng thêm 10% qua mỗi năm và lên mức 15.000 tấn/năm vào năm thứ 6, và sau đó vẫn giữ ở mức này.

Hiện mức thuế đang áp dụng cho tôm nhập khẩu từ Việt Nam sang thị trường này theo FTA ASEAN-Hàn Quốc là 10-15%. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hàn Quốc hiện là thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 5 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản, Liên hiệp châu Âu (EU) và Trung Quốc. Năm ngoái, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu tôm nhiều nhất vào Hàn Quốc.

Đối với một mặt hàng thủy sản khác mà doanh nghiệp Việt Nam cũng đang xuất khẩu mạnh vào thị trường này là nhuyễn thể (mực và bạch tuộc) hiện chịu thuế suất 10%, Hàn Quốc cam kết cắt giảm thêm không dưới 20% của mức thuế này ngay từ lúc hiệp định có hiệu lực.Trong năm 2014, Hàn Quốc nhập khẩu tổng cộng 62.878 tấn tôm, trong đó từ Việt Nam là 27.791 tấn. Theo đó, hạn ngạch tôm mà Hàn Quốc chấp nhận xóa bỏ thuế ngay từ năm đầu tiên chỉ đáp ứng được một phần ba nhu cầu xuất khẩu hiện nay của doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm hết sức nhạy cảm đối với nước này, như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang... tạo cơ hội cạnh tranh đáng kể cho hàng xuất khẩu của Việt Nam với các đối thủ trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Thuế suất nhập khẩu những mặt hàng này hiện nay là 241-420%.

Chẳng hạn, đối với mặt hàng mật ong tự nhiên, thuế suất hiện tại là 243%. Hàn Quốc cam kết sẽ giảm thuế dần với mức giảm chia đều cho mỗi năm để đưa về 0% từ ngày 1-1 của năm thứ 15 kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Hay, thuế suất trái chôm chôm nhập khẩu vào Hàn Quốc hiện là 611,5%, sẽ được giảm không dưới 20% của mức thuế suất này kể từ ngày 1-1-2016 đối với sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.

Trái cây nhiệt đới như dứa, ổi, xoài, măng cụt hiện có thuế suất 30% sẽ được giảm thuế dần với mức giảm chia đều cho mỗi năm để đưa xuống còn 0% từ ngày 1-1 của năm thứ 10, tính từ ngày hiệp định có hiệu lực. Hiện Việt Nam đã xuất khẩu được thanh long và xoài vào thị trường này.

Những mặt hàng như cà chua thuế suất hiện là 20% và sẽ được giảm xuống còn 0-5% kể từ ngày 1-1-2016. Hay, hạt dẻ chưa bóc vỏ có thuế suất hiện hành là 219,4%, xúc xích là 18%, cả hai sẽ được cắt giảm không dưới 20% của các mức thuế nóit rên kể từ ngày 1-1-2016...
Tuy nhiên, Hàn Quốc sẽ vẫn giữ nguyên thuế suất với một số mặt hàng, như hành tây vẫn là 135%, ớt chuông 270%, tỏi 360%, cam 50%, táo 45%, lê 45%, trà xanh 513,6%. Ngoài ra, mặt hàng mà Hàn Quốc không đưa vào đàm phán trong hiệp định này là gạo.

Đổi lại, Việt Nam sẽ cắt giảm thuế cho hàng hóa từ Hàn Quốc, trong đó có hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 3.000 cc trở lên, phụ tùng ô tô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cán điện, mỹ phẩm...

Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam?

Theo ông Bùi Trọng Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Thêu đan TPHCM, hiện trong hơn 200 doanh nghiệp thành viên của hiệp hội, gần như không có doanh nghiệp nào đang xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.

Ông Nguyên cho biết thêm, Hàn Quốc là thị trường khá mạnh về thời trang và hầu hết doanh nghiệp đang cung cấp sản phẩm may mặc cho thị trường này đều thuộc chuỗi cung ứng tại nước này. Theo đó, hiện xuất khẩu may mặc từ Việt Nam sang Hàn Quốc chủ yếu là từ các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam.

Còn theo ông Nguyễn Ân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn, so với những thị trường khác như Mỹ, EU thì Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu tương đối nhỏ đối với hàng may mặc của Việt Nam. Trong đó, doanh nghiệp Hàn Quốc chủ yếu đặt những đơn hàng thời trang, với số lượng khá ít, khoảng từ 2.000-5.000 sản phẩm. Trong khi đó, thông thường những doanh nghiệp may mặc lớn thường chuộng những đơn hàng lớn.

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng khá mạnh về sản xuất vải, do đó doanh nghiệp nước này thường đặt gia công hàng may mặc, thay vì theo hình thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), trong khi hình thức gia công hiện cũng không được nhiều công ty may mặc quy mô lớn ưa chuộng.

Một số công ty may mặc Việt Nam đang làm ăn với đối tác Hàn Quốc cho biết hàng hóa chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường khác, thay vì tiêu thụ tại thị trường Hàn Quốc. 

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.077.414
Khách
: 415
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Để tận dụng cơ hội từ FTA Việt Nam - Hàn Quốc Rating: 5 out of 10 55860.
Core Version: 1.8.0.0