Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

Đại hội Hiệp hội Dệt May Việt Nam lần thứ V

26/11/2015 02:02 CH
Ngày 26 tháng 11 năm 2015, tại Hà Nội, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) tổ chức Đại hội lần thứ V (nhiệm kỳ 2016-2020). “Hội nhập toàn diện; Tăng tốc thực chất” là khẩu hiệu hành động của Vitas nhiệm kỳ mới.


Vitas vinh dự nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, đồng chí Phạm Xuân Đương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế TW cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp ngành dệt may, trước các cơ hội mới, thời cơ mới từ TPP cần vượt qua những rào cản, thói quen cũ lỏng lẻo trong kết nối kinh doanh, liên kết chặt chẽ để tạo sức mạnh, tận dụng công nghệ mới tiên tiến của nước ngoài, tăng tốc bằng nhiều phương án, sao cho toàn Ngành phát triển vượt bậc…

Thay mặt Ban chấp hành Hiệp Hội, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex- Phó chủ tịch Hiệp hội đã báo cáo tình hình ngành DMVN trong thời gian qua, tổng kết  các hoạt động của Hiệp hội, Ban chấp hành nhiệm kỳ IV, kết quả bầu Ban chấp hành, Ban kiểm tra mới và đưa ra phương hướng hoạt động cho giai đoạn 2016-2020. Sau 5 năm chịu tác động nghiêm trọng của khủng hoảng kinh tế thế giới và nhiều biến động, bất ổn, nền kinh tế của nhiều nước đã bước đầu phục hồi và có những bước phát triển nhất định. Cùng với Kinh tế cả nước, XK hàng dệt may Việt Nam đã vượt qua khó khăn, duy trì đà tăng trưởng vững chắc và ổn định trong giai đoạn từ 2011 đến 2015. Năm 2013, tổng KNXK đã vượt qua ngưỡng 20 tỷ USD, tăng trưởng gần gấp đôi so với năm 2010 (11.2 tỷ USD). Năm 2014 xuất khẩu toàn ngành đạt 24,7 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ 2013. Trong 9 tháng đầu năm 2015 kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 17.08 tỷ USD, tăng 10.6% so với cùng kỳ năm 2014. Xuất khẩu vải đạt 746 triệu USD, tăng 28.7% so với cùng kỳ năm 2014; xuất khẩu xơ sợi các loại đạt 1.907 tỷ USD tăng 1.3% so với cùng kỳ năm 2014; Xuất khẩu vải không dệt đạt 340 triệu USD; nguyên phụ liệu đạt 683 triệu USD. Tổng xuất khẩu 9 tháng 2015 đạt 20 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2014. Dự kiến 2015 tổng kim ngạch XK đạt 27,5 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm 2014, tăng 73,7% so với năm 2011 (15,83 tỷ USD); tỷ lệ nội địa hóa đạt 51%. Như vậy, so với Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ IV đề ra, Ngành dệt may vượt mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển dệt may trong giai đoạn 2010-2015 là 14-16 tỷ USD vào năm 2015, Tốc độ tăng bình quân 5 năm: 14,74%/năm; đưa dệt may trở thành ngành có kim ngạch xuất khẩu cao thứ hai và đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, duy trì được vị trí top 5 nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới.


Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex - Phó chủ tịch Hiệp hội báo cáo tại Hội nghị

Trong việc phát triển thị trường nội địa, các doanh nghiệp DMVN tham gia tích cực vào chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; nhiều doanh nghiệp không những tăng thêm được doanh thu, lợi nhuận, mà còn thiết lập, mở rộng được mạng lưới tiêu thụ rộng khắp trong cả nước; Từng bước xây dựng được thương hiệu và đã được công nhận đạt Thương hiệu Quốc gia như Việt Tiến, Phong Phú, Nhà Bè, May 10, An Phước.     

Trong nhiệm kỳ qua, bộ máy của Văn phòng hiệp hội đã được củng cố từng bước theo hướng lấy mục tiêu phục vụ DN hội viên; phát triển hội viên trong cả nước. Nâng cao năng lực của Hiệp hội, chất lượng hoạt động của các chi hội dệt may cũng được Hiệp hội chú trọng. Thực hiện chức năng cầu nối giữa các doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, luôn bám sát, lắng nghe  nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời tập hợp và phản ánh với các cơ quan quản lý nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; Là đầu mối xúc tiến thương mại của ngành, Hiệp hội đã xây dựng và phối hợp với Tập đoàn Dệt May Việt Nam, các đối tác, tổ chức nước ngoài triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, Đào tạo, Hội nghị, Hội thảo… cho các doanh nghiệp trong ngành. Tăng cường quảng bá hình ảnh ngành DMVN - “ Chất lượng, Thời trang, Trách nhiệm xã hội và Thân thiện với môi trường”; Đặc biệt trong nhiệm kỳ IV, Hiệp hội đã tiến hành khảo sát các DN dệt may năm 2013 với kết quả thống kê tổng số DN dệt may là trên 5.000, sử dụng trên 2,5 triệu lao động; cử người tham gia đoàn đàm phán TPP, FTA; Trên cơ sở đó chủ động tham vấn và phổ biến các thông tin cập nhật về tình hình đàm phán, các cơ hội, thách thức cũng như đề xuất chiến lược kêu gọi đầu tư vào các khâu yếu của ngành như dệt, nhuộm và hoàn tất, nhằm chuẩn bị dần các điều kiện cho DN có thể khai thác tối đa lợi thế do FTA, TPP mang lại. Tiếp tục phối hợp với Công đoàn Dệt May Việt Nam ký Thỏa ước Lao động tập thể ngành nhằm tạo ra mối quan hệ lao động hài hòa, bền vững và tiến bộ giữa người sử dụng lao động và người lao động, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần, môi trường và điều kiện làm việc, nghỉ ngơi cho người lao động trong ngành.

Hiệp hội đã tổ chức bình chọn các doanh nghiệp dệt may tiêu biểu toàn diện và từng mặt để kịp thời biểu dương các DN làm ăn tốt. 53 Doanh nghiệp tiêu biểu ngành dệt may đã được tôn vinh “Doanh nghiệp tiêu biểu ngành Dệt May Việt Nam lần thứ 8” cho giai đoạn 2011-2013.

Hiệp hội tích cực tham gia xây dựng Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành dệt may đến 2010, tầm nhìn đến 2030; ưu tiên phát triển ngành dệt may theo hướng đẩy nhanh việc hiện đại hóa, đảm bảo tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững, hiệu quả.

Với Mục tiêu chiến lược là phát triển dệt may trở thành một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn và xuất khẩu; thỏa mãn ngày càng cao nhu cầu tiêu dùng trong nước; tạo nhiều việc làm cho xã hội; nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập vững chắc khu vực và quốc tế. Nhiệm kỳ V (2016-2020), để thực sự làm tốt vai trò của Hiệp hội, trước những cơ hội vô cùng lớn do FTA, TPP mang lại cũng như thách thức đối với Ngành, để khai thác được những lợi thế đó đòi hỏi Hiệp hội phải Tăng năng lực hiệp hội theo hướng chuyên nghiệp hơn; Đổi mới phương thức hoạt động của Hiệp hội, phát triển hội viên, lấy mục tiêu vì lợi ích của các hội viên làm trọng tâm của các hoạt động của văn phòng Hiệp hội; Tổ chức Bộ máy thực hiện công tác tư vấn, nghiên cứu về các vấn đề phát triển chung của ngành trên cơ sở có thu, làm cơ sở cho việc thực hiện nhiệm vụ, vai trò của Hiệp hội. Toàn ngành nỗ lực kêu gọi đầu tư cho khâu dệt, nhuộm, hoàn tất,phát triển chuỗi cung ứng cũng như tăng cường liên kết trong chuỗi;Chuyển đổi phương thức kinh doanh từ CM dần sang FOB, ODM, OBM…nhằm tăng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu, phấn đấu đạt mục tiêu năm 2020, xuất khẩu đạt 42 tỷ USD, tỷ lệ nội địa hóa đạt 65%./.


Ban chấp hành Vitas nhiệm kỳ mới

Phát biểu bế mạc Đại hội, ông Vũ Đức Giang, chủ tịch Vitas, khẳng định, khẩu hiệu hành động của Vitas nhiệm kỳ mới là: “Hội nhập toàn diện; Tăng tốc thực chất; Tìm đối tác nước ngoài tin cậy và hợp tác hiệu quả; Có trách nhiệm với cộng đồng”.

Trong đại hội, Hiệp hội vinh dự đón nhận Huân chương Lao động Hạng nhất lần hai, phần thưởng cao quí mà Đảng, Nhà nước dành tặng cho Hiệp hội vì sự nỗ lực phấn đấu trong 5 năm qua.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành mới gồm 96 đồng chí. Trong đó ông Vũ Đức Giang được bầu làm Chủ tịch Vitas nhiệm kỳ 2016-2020, và có 15 vị Phó chủ tịch phụ trách các chi hội địa phương (trong đó có 3 vị Phó Chủ tịch phụ trách 3 chuyên ngành chính: Sợi, Dệt nhuộm, May và phụ trợ).

(Nguồn: Nhóm PV VTGF - Vinatex) 

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.086.865
Khách
: 621
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0