Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

Câu chuyện hàng dệt - may Việt Nam

03/10/2019 10:20 SA
Hà Nội nói riêng, các đô thị nói chung chưa khi nào hệ thống cửa hàng thời trang mọc lên nhiều đến thế. Ra ngõ là gặp cửa hàng thời trang, đặc biệt là thời trang nữ, nhưng hỡi ôi “đụng” vào thì đa số hàng nước ngoài, trong đó hàng có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm khá nhiều! Lòng hỏi lòng, ngành công nghiệp dệt - may ở Việt Nam đang ở đâu?

Câu chuyện 20 năm trước

Hơn hai thập kỷ trước, khi nước ta bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, ngành Dệt - May là lĩnh vực thu hút nhiều vốn nhất. Và cũng chính ngành Dệt – May là ngành làm ăn khấm khá nhất với kim ngạch xuất khẩu luôn đứng tốp đầu chỉ sau dầu khí… Những May 10, Việt Tiến, Nhà Bè, Đức Giang, Thăng Long… luôn là cánh chim đầu đàn.

Thời đó, mỗi dịp đi tham gia hội thảo cũng như các buổi họp của Bộ Công nghiệp (lúc bấy giờ) thì luôn nhận được thông tin bất ngờ, hàng dệt - may Việt Nam đa số là gia công cho các đối tác nước ngoài để phục vụ công tác xuất khẩu. Nghĩa là khi làm ra 100 đồng, phía Việt Nam chỉ thu về khoảng 20-25 đồng/sản phẩm. Ngay nguyên vật liệu cũng có đến 90% phải nhập khẩu. Và khi có, nhiều chuyên gia kỳ vọng đến năm 2010, ngành công nghiệp Dệt - May sẽ nội địa hóa được khoảng 90%, đi kèm đó là giảm bớt phụ thuộc gia công cho các đối tác, thay vào đó là hình thành nền công nghiệp Dệt - May Việt Nam đẳng cấp, có đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu.

cau chuyen hang det may viet nam
Nhu cầu tiêu dùng rất lớn, nhưng các sản phẩm thời trang dệt may của doanh nghiệp trong nước lại không phong phú về mẫu mã và hợp lý về giá cả, nên đất sống nhường cho các sản phẩm ngoại (ảnh minh họa)

Và câu chuyện của hiện tại

Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2018 đạt trên 36 tỉ đô la Mỹ và mục tiêu cho cả năm nay là khoảng 40 tỉ đô la Mỹ (6 tháng đầu năm đạt gần 18 tỉ đô la Mỹ). Tuy nhiên, nguồn lợi thu về được đánh giá là khá thấp do vẫn thuần gia công. Từ chỗ ngành chưa thể thoát cảnh gia công, kéo theo lĩnh vực sản xuất nguyên liệu cho ngành Dệt - May trong nước vốn đã non yếu cũng rơi vào cảnh khó khăn, khi không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu hoặc chen chân vào cung cấp cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, nhu cầu sợi trên 1,4 triệu tấn/năm, nhưng 90% là nhập khẩu; nguồn vải phải nhập khẩu tới 80%, khiến tỷ lệ giá trị gia tăng của may xuất khẩu đạt thấp.

Vẫn biết, trong những năm qua, ngành Dệt - May đã nhận thức rõ muốn phát triển bền vững và tăng phần giá trị thì phải chuyển đổi phương thức sản xuất từ gia công (CMT) sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự chủ từ khâu thiết kế, sản xuất đến bán hàng) hay OBM (sở hữu nhãn hàng riêng). Một vài doanh nghiệp quy mô lớn bước đầu đạt được mục tiêu chuyển đổi, nhưng con số này còn rất nhỏ. ODM hay OBM hiện vượt xa năng lực của đa số doanh nghiệp, vốn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, yếu về mặt quản trị lẫn vốn đầu tư công nghệ, máy móc.

Điều mừng, theo một số doanh nghiệp làm hàng may mặc, hiện nay các khách hàng đặt may gia công chỉ định các nguyên phụ liệu chính, với các phụ liệu còn lại các công ty may gia công được quyền lựa chọn cũng như mua trên thị trường nội địa. Như vậy, xu hướng đặt hàng may mặc của các nước đang có những bước chuyển mới, từ thuần gia công sang một phần tự chủ nguyên liệu hoặc hình thức FOB cho các công ty may mặc tại Việt Nam. Đây được xem là cơ hội và cũng là thách thức cho ngành dệt may thoát cảnh thuần gia công.

Về phía doanh nghiệp, để nâng cao năng lực cạnh tranh và vươn lên trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu, theo các chuyên gia, họ phải đầu tư vào máy móc thiết bị để đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý, tiếp thị, đảm nhận được các khâu có giá trị gia tăng cao từ xây dựng thương hiệu, thiết kế, đến tự chủ về nguyên liệu và bán thành phẩm.

Vấn đề gia công đang có xu hướng giảm, còn “con số” nội địa hóa trên sản phẩm vẫn chưa thể có thống kê rõ ràng, nhưng nhìn ra thị trường hiện nay, có thể khẳng định một số sản phẩm dệt may của các doanh nghiệp Việt Nam rất tốt. Thậm chí so với mặt bằng thu nhập chung của người lao động giá bán đang khá cao. Ví dụ một chiếc áo sơ mi nam của các công ty May 10, Việt Tiến, Nhà Bè… giao động từ 450 - 900 nghìn đồng. Còn những hãng như An Phước giá từ 600 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Thậm chí có những thương hiệu giá một chiếc sơ mi Nam lên tới 2 triệu đồng một sản phẩm. Giá cao, chất lượng tốt đúng là khỏi cần bàn, nhưng với những người thu nhập thấp, thu nhập trung bình thì để có các sản phẩm trên trở thành sự “xa xỉ”.

Vẫn ngập tràn hàng ngoại

Chúng ta mừng vì những sản phẩm dệt may Việt Nam nói trên có chỗ đứng và khẳng định uy tín, chất lượng trên thị trường. Song ở góc độ khác, chúng ta buồn vì không ít sản phẩm không đến tay quảng đại người tiêu dùng, trong khi trước đây chúng ta từng kỳ vọng sản phẩm dệt - may của Việt Nam không chỉ làm ra phục vụ người tiêu dùng Việt mà còn chiếm lĩnh thị phần thế giới.

Nhưng giờ đây, có dịp đi khắp các vùng miền từ thôn quê đến đô thị, thậm chí là những tuyến phố lớn ở Hà Nội như Chùa Bộc, Xuân Thủy… hay các siêu thị, đặc biệt là hàng thời trang bên cạnh sự đổ bộ của các hãng tên tuổi như Mango, Zara.. phục vụ giới thu nhập cao, thì từ “thượng vàng hạ cám” đa số là hàng có xuất xứ Trung Quốc. Quần, áo, váy, tất.. không thiếu một thứ gì. Điều đáng nói những sản phẩm này đẹp, phong phú lại giá thành rất phải chăng.

Theo một số chủ shop, đa số sản phẩm hàng may mặc được bày bán hiện nay (giá phải chăng) đều xuất xứ từ Trung Quốc, cụ thể là từ Quảng Châu, Nam Ninh đánh về. Còn hàng Việt Nam ngoại trừ một số sản phẩm của các công ty tên tuổi và các chủng loại (thời trang nữ) do các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa sản xuất, thiết kế thì hàng dệt- may Việt Nam hoàn toàn vắng bóng. Chị N… một chủ kinh doanh hàng thời trang dệt – may cho biết: Nếu như hàng cao cấp thì đã có các hãng lớn “độc quyền” phân phối, còn các sản phẩm thời trang đủ mọi chủng loại thì không thấy các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, nên đa số phải nhập hàng từ Trung Quốc. Tiền nào của ý, hàng của họ phong phú về chủng loại, đẹp về mẫu mã nên khách hàng tha hồ lựa chọn. Còn một chủ cửa hàng khác thì nhận định, đa số hàng thời trang may mặc trên thị trường hiện nay có xuất xứ từ nước ngoài.

… Hà Nội thời kinh tế mở, khi màn đêm xuống nhộn nhịp vô cùng. Trên những con phố, đâu đâu cũng thấy cửa hàng, cửa hiệu thời trang từ cao cấp, đến bình dân… với đủ loại sản phẩm phong phú, đẹp về hình thức, hợp lý về giá cả. Song nhìn kỹ, hỏi ra thì phần nhiều là sản phẩm dệt may nhập khẩu, trong đó phần lớn có xuất xứ từ Trung Quốc…

Bất chợt nghĩ đến giác mơ của các chuyên gia 20 năm trước, rằng đến những năm 2010 sản phẩm dệt- may Việt Nam sẽ phát triển hoàn thiện (tự chủ nguồn nguyên liệu, thiết kế, sản xuất) để chiếm lĩnh thị trường. Song nhìn vào thực thế xem ra còn khá xa vời. Câu hỏi đặt ra, ngành công nghiệp dệt- may mang thương hiệu made in Vienam đang ở đâu?

Nguồn: Báo LĐTĐ

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.086.465
Khách
: 211
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0